Tỷ lệ nợ xấu ngành ngân hàng còn 6,7%

Nợ xấu gồm cả nội, ngoại bảng, các khoản nợ đã cơ cấu và nợ xấu tiềm ẩn, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, chiếm khoảng 6,7%.
Giao dịch tại quầy của một ngân hàng thương mại. Ảnh:Anh Tú
Giao dịch tại quầy của một ngân hàng thương mại. Ảnh:Anh Tú

Chia sẻ tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu sáng nay (28/8), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đang ở mức 6,6 - 6,7%. Tỷ lệ này bao gồm cả nợ xấu nội bảng, ngoại bảng, các khoản nợ xấu đã cơ cấu và nợ xấu tiềm ẩn.

"Tỷ lệ nợ xấu đã giảm so với mức 10,08% báo cáo Quốc hội trước đây, song con số này hiện tại vẫn còn ở mức cao", Thống đốc nói và cho biết, dù công tác xử lý nợ xấu đã ghi nhận những kết quả tích cực, nhìn chung vẫn còn những thách thức, bất cập.

Trước đó, báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia công bố cuối năm 2017 đã hé lộ tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều con số ngành ngân hàng tự báo cáo. Theo tính toán của cơ quan này, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng là 9,5% - cao hơn gấp ba lần con số "dưới 3%" mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo là "nợ xấu nội bảng". Mặc dù vậy, theo Uỷ ban giám sát, tỷ lệ này đã giảm mạnh từ con số 11,5% trước đó.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý II, các tổ chức tín dụng đã xử lý hơn 138.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 70.230 tỷ (chiếm 50,8%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán gần 21.600 tỷ đồng (chiếm 15,6%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt gần 46.500 tỷ đồng (chiếm 33,6%).

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), thành công trong một năm thực hiện Nghị quyết 42 là tạo động lực cho việc đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, tăng quyền chủ động cho chủ nợ và khuyến khích các tổ chức tín dụng mua bán nợ theo giá thị trường.

Chỉ riêng trong một năm kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, VAMC đã xử lý được 48.000 tỷ nợ xấu, chiếm gần một nửa tổng số nợ xấu đã xử lý kể từ khi hoạt động. Kể từ khi được thành lập năm 2013 đến nay, công ty này đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu trên tổng số gần 280.000 tỷ nợ xấu đã mua từ các tổ chức tín dụng.

Một điểm tích cực khác là ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện đáng kể sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Việc gia tăng quyền cho các chủ nợ khiến khách hàng không còn chây ì trong việc hợp tác, thay vào đó đã chủ động trả nợ, thanh lý tài sản hoặc bàn giao tài sản đảm bảo. Cũng nhờ vậy, VAMC và các ngân hàng đã xử lý được một số khoản nợ xấu gắn với những tài sản đảm bảo lớn, ví dụ như việc bán đấu giá tòa nhà Saigon One Tower.

Cùng quan điểm với ông Đông, Chủ tịch Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước đây có những khách hàng nợ đã quá hạn vài năm nhưng chây ì không xử lý, bàn giao tài sản đảm bảo hoặc cố ý kéo dài thời gian chi trả. Tuy nhiên, sau khi những chủ nợ như Vietcombank được trao quyền nhiều hơn, nhiều khách hàng đang có nợ xấu đã chủ động hợp tác với ngân hàng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan điều hành, công tác thu hồi nợ vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó nổi lên vướng mắc về hành lang pháp lý và thị trường mua bán nợ chưa sôi động.

Chủ tịch VAMC lấy dẫn chứng, trong hợp đồng đảm bảo giữa ngân hàng và khách hàng cho biết, theo quy định của Nghị quyết 42 sẽ có điều khoản khách hàng tự nguyện bàn giao tài sản trong trường hợp không còn khả năng chi trả. Tuy nhiên hợp đồng đảm bảo giữa ngân hàng và khách hàng thường thiếu đi chữ "tự nguyện". Điều này, theo ông Nguyễn Tiến Đông, làm nảy sinh những vấn đề pháp lý, tranh chấp trong quá trình thu hồi. 

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý vẫn còn thiếu một số chế tài về việc chuyển giao, xử lý tài sản đảm bảo. Đơn cử việc thu hồi các tài sản đang xây dựng dở dang từ khách hàng không còn khả năng thực hiện để bán thanh lý thu hồi khoản nợ và chuyển giao cho những đối tác có đủ năng lực vẫn còn những vướng mắc trong việc thay đổi chủ đầu tư.

Chuyên đề