Tỷ giá và câu chuyện nhập siêu

(BĐT) - Kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, đồng tiền của nhiều quốc gia mới nổi mất giá đáng kể so với đồng đô la Mỹ, trong đó đáng chú ý là đồng nội tệ của Trung Quốc - một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - cũng đã mất giá mạnh. 
Việc ổn định tỷ giá ở mức 2% so với cuối năm 2017 giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ đô la Mỹ. Ảnh: Tường Lâm
Việc ổn định tỷ giá ở mức 2% so với cuối năm 2017 giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm giữ đô la Mỹ. Ảnh: Tường Lâm

Điều này có thể gây áp lực lên cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới.

Áp lực nhập siêu từ Trung Quốc

Chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây, VND đã mất giá khoảng 2,3% so với USD. Trong khoảng thời gian này, nhân dân tệ (NDT) mất giá khoảng 8% so với USD. Như vậy, có thể hiểu là NDT đã mất giá khoảng 6% so với VND. Mặc dù vậy, Ngân hàng trung ương Trung Quốc thậm chí còn sẵn sàng chấp nhận đồng NDT yếu đi để làm công cụ đối phó với việc Mỹ chuẩn bị áp thuế 25% (thay vì 10% như công bố trước đó) đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, khi NDT mất giá khoảng 6% so với VND thì được hiểu hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam rẻ tương ứng, còn hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc cũng tăng giá tương ứng. Vì vậy, chưa kể đến các điều kiện khác, hàng Trung Quốc đang được hỗ trợ tích cực để tăng lượng vào Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó vì giá cả đã tăng. Nhập siêu của Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ tăng do vấn đề tỷ giá.

Xung quanh vấn đề liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND trong bối cảnh đồng NDT đã giảm giá mạnh trong thời gian qua nhằm hỗ trợ xuất khẩu hay không, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã lên tiếng khẳng định tại cuộc họp báo của Chính phủ ngày 1/8: “NHNN điều hành tỷ giá không vì một mục tiêu duy nhất nào, mà vì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều hành tỷ giá phải dựa trên yếu tố cân đối vĩ mô, những diễn biến trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, việc giá trị của NDT giảm mạnh trong thời gian qua là diễn biến đáng lưu ý trong điều hành, không chỉ của NHNN Việt Nam mà còn của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới. Vì Việt Nam là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, nên trong điều hành tỷ giá, NHNN không chỉ nhìn vào một đồng tiền mà phải quan sát diễn biến của các đồng tiền khác. 

Ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: “Việc điều hành tỷ giá phải dựa trên yếu tố cân đối vĩ mô, những diễn biến trên thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng”.
Phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu định hướng, cần ổn định tỷ giá VND theo mức linh hoạt 2% so với cuối năm 2017. Không thay đổi chính sách tiền tệ đã đề ra từ đầu năm. Không chạy trước đón đầu biến động thị trường tài chính quốc tế như nhiều người khuyến nghị khi chưa có yếu tố tác động cụ thể.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường thuộc Công ty CP Chứng khoán BIDV, thông điệp trên của Thủ tướng đang được NHNN thực hiện thông qua những ứng xử gần đây.

Cụ thể là, sau khi ra tín hiệu sẽ can thiệp vào thị trường, NHNN đã hạ giá bán đô la Mỹ xuống còn 23.050 đồng vào ngày 4/7 do xuất hiện nhập siêu và các ngân hàng thương mại bị âm trạng thái và có nhu cầu mua vào để bù đắp. Sau khi nhận thấy nhu cầu của thị trường đã đủ và để ngăn chặn nhu cầu đầu cơ, NHNN đã nâng giá bán đô la Mỹ từ 23.050 lên 23.273 đồng (tăng 223 đồng) vào ngày 23/7.

Cũng theo ông Khoa, những năm vừa rồi Việt Nam giữ được tỷ giá rất tốt nhờ định hướng chính sách và cam kết thực hiện đúng chính sách. Trước đây, NHNN cũng tuyên bố ổn định tỷ giá ở mức 2% và gần như làm được. Điều này đã giúp ngăn chặn tình trạng găm giữ đô la Mỹ hay chuyển ra ngoài. Chính vì vậy đã tạo được uy thế, đồng thời kiểm soát tốt dòng tiền ra vào.

Chuyên đề