Tỷ giá 2019: dự báo 3%

Tỷ giá nào cho tương lai 12 tháng tới là câu hỏi dễ trả lời nhất và cũng khó giải đáp nhất trong các vấn đề của chính sách, thị trường tiền tệ. Dễ bởi các yếu tố tác động đến tỷ giá giống như các quân cờ đều bày cả trên bàn, chủ thể nào trên thị trường cũng nhìn thấy được. Khó vì không ai có thể biết một cách chính xác nên đi nước cờ nào, thời điểm nào để có thể chiếu tướng đối phương như cái cách mà những người chơi mong muốn.
Diễn biến tỷ giá năm tới sẽ tiếp tục phụ thuộc một phần vào biến động thị trường tài chính quốc tế. Ảnh: THÀNH HOA
Diễn biến tỷ giá năm tới sẽ tiếp tục phụ thuộc một phần vào biến động thị trường tài chính quốc tế. Ảnh: THÀNH HOA

Khi bài báo này lên khuôn, năm 2018 chỉ còn vài ngày. Số liệu cho đến nay cho thấy cả năm tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hàng ngày tăng 1,65%, tỷ giá chuyển khoản niêm yết bán ra của các tổ chức tín dụng tăng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3%. Từ giữa tháng 6-2018 NHNN đã không mua thêm ngoại tệ, nhưng quỹ dự trữ ngoại hối cuối năm tổng kết lại vẫn đạt 60 tỉ đô la Mỹ, cao nhất từ trước đến nay.

Bên ngoài: Fed là Fed

Diễn biến tỷ giá năm tới sẽ tiếp tục phụ thuộc một phần vào biến động thị trường tài chính quốc tế. Còn nhớ tháng 10 vừa qua, khi xuất hiện nhiều tiếng nói “công kích” chính sách lãi suất “diều hâu” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Chủ tịch Fed ông Jerome Powell đã rất “dịu giọng”. Trước đây ông luôn nhấn mạnh trong các lần phát biểu rằng lãi suất của đô la Mỹ còn xa điểm trung hòa (neutral point), nhưng sau đó ông nói lãi suất đã gần điểm trung hòa. Từ “xa” đến “gần” là khoảng cách đã ngắn lại đáng kể. Thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu đã đo độ ngắn lại đó theo những cách hiểu khác nhau. Kết quả là lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ đổi chiều theo hướng lợi tức trái phiếu kỳ hạn dài giảm, kỳ hạn ngắn tăng lên, còn chỉ số Dow Jones, S&P500 rơi tự do.

Nếu nhận định chứng khoán Mỹ “đỏ lửa” để “dọa” Fed có lẽ không sai và đâu đó đã nhen nhóm hy vọng Fed sẽ không tăng lãi suất tháng 12-2018. Tuy thế Fed là Fed. Ông Powell đã tăng lãi suất đô la Mỹ lần thứ tư trong năm và tuyên bố sẽ có thêm hai lần tăng nữa trong năm 2019. Giờ thì mọi chuyện đã rõ ràng. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thẳng thắn ông không thích Fed tăng lãi suất cũng không sao. Fed đã tăng rồi.

Kinh tế thế giới đã nhận được quá nhiều tiền rẻ từ ngân hàng trung ương các nước suốt từ năm 2008 để kéo dài một thập kỷ phục hồi và tăng trưởng. Giờ đây “miếng da lừa” tiền rẻ đang co lại để ngăn chặn nguy cơ lạm phát. Không chỉ các nước G-7, các quốc gia Asean cũng đã nâng lãi suất đồng nội tệ. Lãi suất các đồng tiền sẽ còn tăng, người ta chỉ không biết nó sẽ tăng khi nào, liều lượng ra sao và bởi sự không đoán định được chính xác đó, kỳ vọng của sự gia tăng ngày một lớn.

Bên trong: các yếu tố mềm hóa

Ở Việt Nam các chuyên gia tài chính hầu hết dự báo tiền đồng sẽ giảm giá khoảng 3% so với đô la Mỹ năm 2019 (riêng nhận định của người viết chỉ là 2,5%). NHNN luôn đặt mọi ưu tiên của chính sách tiền tệ lên hai trọng lực: kiểm soát lạm phát và lãi suất tiền đồng (ổn định giá trị tiền đồng). Sức nặng đè lên lạm phát những tháng tới đang vơi đi rất nhiều nhờ giá dầu thô quốc tế giảm sâu và có thể sẽ còn đứng ở mức thấp thời gian dài. Giá các loại hàng hóa nguyên liệu đầu vào cũng giảm. Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã giảm 5 lần trong hai tháng 11 và 12-2018. Mức trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu đã và đang tăng, nghĩa là nguồn tài chính để giữ giá xăng dầu bán lẻ ở mức ổn định khi cần thiết đã được thiết lập.

Trong khi đó, lãi suất tiền đồng đang “chạy”. Một số ý kiến nhận xét lãi suất tiền gửi đi lên, cao nhất đã tới 8,9% cho kỳ hạn 18-36 tháng, do tính thời vụ tức nhu cầu chi tiêu cuối năm. Thực tế chỉ ra tính thời vụ là thứ yếu. NHNN đã chủ động điều hành thanh khoản, đong đếm thanh khoản ở mức cần thiết, buộc các ngân hàng một mặt phải tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, mặt khác giảm đầu cơ ngoại tệ.

Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết năm 2018 huy động ngoại tệ toàn hệ thống tăng tới 17% trong khi năm trước đó chỉ tăng 2,1% mặc dù lãi suất tiền gửi ngoại tệ áp dụng cho cả dân cư lẫn doanh nghiệp đang 0%/năm. Nhìn từ số liệu này, kỳ vọng vào tỷ giá là lớn.

Phải làm xẹp kỳ vọng vào tỷ giá - đó là điều mà nhà điều hành đã nhìn ra. Muốn thế, lãi suất tiết kiệm tiền đồng phải đủ hấp dẫn để người ta vẫn nắm giữ tiền đồng như đã từng nắm giữ nó ba năm qua. Giả sử tỷ giá điều chỉnh 3% năm 2019, lãi suất tiết kiệm tiền đồng từ 12 tháng trở lên chắc chắn sẽ qua mức 10%/năm vào cuối năm sau.

Hiệu ứng lãi suất đi lên, tiền đồng có giá đang được thể hiện. Không phải ngẫu nhiên khi một số ngân hàng công bố lãi suất tiết kiệm 12-18 tháng ở mức 8,5-8,6%/năm, giá niêm yết chuyển khoản bán ra của ngân hàng đồng loạt tụt về 23.320 đồng từ mức 23.380-23.390 đồng/đô la Mỹ trước đó. Không tổ chức tín dụng nào “dại dột” để trạng thái ngoại hối cao trong điều kiện lãi suất tiền đồng như thế cả. Chưa kể doanh nghiệp vẫn đang “hối hả” đi vay để tránh lãi suất cao năm sau.

Bên cạnh lạm phát và lãi suất tiền đồng, những điểm nhấn khác như cán cân thương mại có thể thặng dư, giải ngân vốn FDI, kiều hối, dịch vụ du lịch... cũng sẽ ủng hộ tỷ giá. Một yếu tố tế nhị không nên bỏ qua, là mối tương quan của tỷ giá trong quan hệ với đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ. Việt Nam vẫn đang xuất siêu vào Mỹ. Một sự điều chỉnh tỷ giá quá mạnh theo hướng tiền đồng mất giá mạnh so với đô la Mỹ sẽ không có lợi theo nhiều nghĩa cho Việt Nam trong thương mại với Mỹ.

Sự cộng hưởng tất cả những yếu tố trên sẽ là chất xúc tác để tỷ giá “mềm hóa” một cách hợp lý và chấp nhận được trong năm tới. 

Chuyên đề