Trụ đỡ của tái cơ cấu ngân hàng

Không thể phủ nhận vai trò và đóng góp của các NHTM nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Các chuyên gia tài chính cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng mạnh dựa trên trụ cột là những NHTM nhà nước.
Trụ đỡ của tái cơ cấu ngân hàng

Vai trò lớn

Có thể nhận thấy vai trò lớn của các NHTM nhà nước trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Ngoài những thương vụ như VietinBank mua lại PGBank, MHB sáp nhập vào BIDV, các “ông lớn” khác là Vietcombank, Agribank cũng tự cơ cấu, thậm chí điều chuyển nhân sự sang các NHTM cổ phần để thực hiện tái cơ cấu, hợp nhất, mua lại theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Bên cạnh đó, các NHTM nhà nước luôn đi đầu trong việc bám sát các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN. Đơn cử, giai đoạn vừa qua, với vai trò dẫn dắt, khối NHTM nhà nước đã chủ động thực hiện các chỉ đạo của NHNN về lãi suất, tỷ giá. Vietcombank, VietinBank… nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, nhất là cho vay các lĩnh vực ưu tiên, nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hệ thống tín dụng - ngân hàng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng này cũng luôn tuân thủ và kịp thời triển khai các quy định của NHNN, chủ động dẫn dắt thị trường, tạo lập mặt bằng lãi suất, tỷ giá theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Cũng chính các tổ chức tín dụng này góp phần quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thông qua các giải pháp như cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bán nợ…

Nhóm NHTM nhà nước còn tham gia tích cực vào các giao dịch tín phiếu, hỗ trợ NHNN trong việc thực hiện bơm hút tiền nhịp nhàng trên thị trường mở, nhằm điều tiết dòng vốn trong nền kinh tế, góp phần giảm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Điển hình như BIDV, chỉ tính từ năm 2013 đến nay đã tham gia giao dịch khoảng 7.500 tỷ đồng tín phiếu NHNN.

Ở góc độ trách nhiệm xã hội, các NHTM nhà nước luôn đi đầu trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm cung ứng vốn cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhưng lực chưa tương xứng

Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng xử lý kiên quyết, dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế cho rằng cần những đóng góp nhiều hơn từ phía các NHTM nhà nước. Theo đó, thời gian tới vẫn cần phải xây dựng hệ thống ngân hàng mạnh trên cơ sở những trụ cột là các NHTM nhà nước. Đặc biệt, có thể chọn ra một vài NHTM nhà nước nắm cổ phần để đầu tư, “chăm bẵm” nhằm trở thành những ngân hàng tầm cỡ khu vực.

Các NHTM nhà nước hiện đang cần những gì? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, ngay cả các NHTM nhà nước cũng có vốn chủ sở hữu thấp. Các ngân hàng tầm cỡ khu vực hiện có tổng tài sản tối thiểu 50 tỷ USD, vốn chủ sở hữu khoảng 5 tỷ USD, còn ở Việt Nam, NHTM lớn nhất cũng chỉ có vốn chủ sở hữu khoảng 3 tỷ USD.

ThS. Nguyễn Thị Mai Phượng - Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho rằng, vốn tự có của các NHTM nhà nước hiện nay còn thấp, trong khi nó được xem là chốt chặn cuối cùng trong chuỗi phòng thủ của mỗi NHTM trước các rủi ro. Thông thường, vốn tự có luôn nằm trong xu hướng tăng, do liên tục tích lũy trong suốt quá trình hoạt động. Quy mô vốn tự có là uy tín và sức mạnh của mỗi ngân hàng để người ngoài nhìn vào.

Một trong những yêu cầu của tái cấu trúc ngân hàng nói chung và của nhóm các NHTM nhà nước trong thời gian tới, theo các chuyên gia ngân hàng là đẩy mạnh việc tái cấu trúc vốn tự có với việc chủ động hoạch định lộ trình tăng vốn phù hợp với quy mô phát triển, đồng thời chuẩn bị các điều kiện vật chất, công nghệ, mở rộng quy mô hoạt động cần thiết của các NHTM nhà nước khi hệ thống tài chính Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với hệ thống tài chính thế giới. Các biện pháp có thể thực hiện tăng vốn là phát hành cổ phiếu trong nước, bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại; nâng cao khả năng sinh lời.

Đại diện một NHTM nhà nước cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách và nguồn lực trong nước còn hạn chế, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép các NHTM nhà nước được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt, sử dụng nguồn thặng dư để tăng vốn điều lệ.

Chuyên đề