TPBank: Mục tiêu lãi trước thuế trên 5.000 tỷ đồng vào 2021

(BĐT) - Sáng ngày 20/4, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ngay sau ngày ngân hàng này đưa cổ phiếu của mình lên niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
Quang cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 TPBank. Ảnh: Hoàng Việt
Quang cảnh đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 TPBank. Ảnh: Hoàng Việt

Tại cuộc họp, TPBank cho biết đã có kế hoạch để đến năm 2020, tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập để giảm phụ thuộc vào mảng tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đặt ra mục tiêu lợi nhuận thách thức trên 5.000 tỷ đồng vào năm 2021.

Tăng tỷ trọng thu nhập từ mảng phi tín dụng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, TPBank cho biết, trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, ngân hàng này sẽ tập trung phát triển 3 trụ cột: Dịch vụ ngân hàng bán lẻ; dịch vụ ngân hàng phục vụ doanh nghiệp & SME; hoạt động kinh doanh trên thị trường vốn và đầu tư. Đảm bảo đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập, giảm hoạt động lệ thuộc tín dụng.

TPBank: Mục tiêu lãi trước thuế trên 5.000 tỷ đồng vào 2021 ảnh 1

Năm 2018, TPBank lên kế hoạch dư nợ cho vay khách hàng  là 85.555 tỷ đồng, tăng tới 20% so với năm 2017. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 74.621 tỷ đồng, tăng 16,5% so với 2017. Thu nhập của TPBank hiện đang phụ thuộc lớn vào mảng tín dụng với tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động lên đến gần 88%, thuộc hàng cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng ở mức khiêm tốn là 12,11%. Trong khi đó, hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) và hệ số NON-NIM (tỷ lệ thu nhập ngoài lãi cận biên) của TPBank chỉ là 2,96% và 0,41% là tương đối thấp.

VPB

MBB

TCB

LPB

ACB

VIB

BID

TPB

CTG

VCB

SHB

NIM

8,82

4,22

3,92

3,63

3,49

3,15

2,96

2,96

2,80

2,51

2,14

NON-NIM

1,89

1,00

3,25

-0,09

1,23

0,58

0,77

0,41

0,57

0,86

0,71

Xét cả năm 2017, dư nợ tín dụng của TPBank đã tăng từ 46.642 tỷ đồng lên 63.421 tỷ đồng, tương đương mức tăng tới 36%. Trong đó, dư nợ ngắn hạn của TPBank tăng 4,5%, từ 17.905 tỷ đồng lên 18.703 tỷ đồng; Dư nợ trung và dài hạn tăng 56%, từ 28.737 tỷ đồng lên 44.718 tỷ đồng. Theo đó, tổng dư nợ trung và dài hạn chiếm 71% trong tổng dư nợ, cao hơn mức 62% của cả năm 2016. Đây là mức tỷ trọng thuộc hàng lớn nhất hệ thống ngân hàng.

Mặc dù các khoản cho vay trung và dài hạn có lãi suất cao, sinh lời lớn nhưng các ngân hàng luôn phải thận trong với các khoản này bởi nó tiềm ẩn rủi ro lớn do kỳ hạn cho vay dài.

TPBank cũng cho biết sẽ nghiên cứu và chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai cho vay tài chính tiêu dùng và cho vay tín chấp tiêu dùng.

Mục tiêu lãi 5.000 tỷ đồng năm 2021

Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 là 2.200 tỷ đồng, tăng trưởng 82% so với 2017, TPBank cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thách thức trong những năm tiếp theo. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong 3 năm tiếp theo 2019-2021 lần lượt là 2.900 tỷ, 3.800 tỷ và 5.000 tỷ đồng, hệ số CAGR là 32%.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, ngân hàng hướng tới việc tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí. Theo ông Hưng, việc ứng dụng công nghệ sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành cho ngân hàng, chi phí ngân hàng điện tử rẻ gấp nhiều lần so với ngân hàng truyền thống. TPBank cho biết, việc đầu tư vào ngân hàng số sẽ giúp ngân hàng này có thêm được lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút khách hàng, cung cấp được các sản phẩm trên nền công nghệ mới với chi phí thấp hơn và tiện dụng hơn cho khách hàng.

Ngân hàng dự kiến tăng vốn lên 8.567 tỷ đồng. Trong đó gồm tăng vốn từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 15% (phương án này đã được ĐHĐCĐ thông qua vào 7/12/2017). Sau đó là chia cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu tỷ lệ 8,37% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20%. Nguồn vốn tăng thêm được sử dụng cho mục đích bổ sung nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng, cải thiện các chỉ số an toàn vốn và an toàn hoạt động, dự phòng nguồn vốn cho các lĩnh vực kinh doanh khác và đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất.

Chuyên đề