Tôn Vikor làm ăn bết bát, DATC khó bán vốn thành công

(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) vừa thông báo bán cổ phần tại Công ty CP Tôn Vikor (Tôn Vikor). 
Đối mặt với nhiều khó khăn, Tôn Vikor dự kiến cả năm 2017 lỗ 11 tỷ đồng và năm 2018 tiếp tục lỗ 7,7 tỷ đồng
Đối mặt với nhiều khó khăn, Tôn Vikor dự kiến cả năm 2017 lỗ 11 tỷ đồng và năm 2018 tiếp tục lỗ 7,7 tỷ đồng

Đồng thời, DATC cũng sẽ tiến hành bán khoản nợ phải thu tính đến ngày 31/3/2017 là hơn 21,5 tỷ đồng của đơn vị này tại Tôn Vikor. Mặc dù giá khởi điểm đưa ra thấp hơn so với mệnh giá nhưng tương lai kinh doanh không lợi nhuận khiến cổ phiếu Tôn Vikor có thể giảm tính hấp dẫn trong con mắt nhà đầu tư.

Tương lai kinh doanh ảm đạm

Theo thông báo bán đấu giá, DATC sẽ tiến hành bán 4,080 triệu cổ phần của Tôn Vikor với giá khởi điểm là 6.200 đồng/cổ phần vào ngày 1/2/2018 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tôn Vikor được thành lập tháng 1/1993, tiền thân là Công ty Tôn Vinashin thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Công ty thực hiện cổ phần hóa và chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2015 với vốn điều lệ 80 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất tôn mạ màu, tôn mạ kẽm.

Bản công bố thông tin của Tôn Vikor vẽ lên bức tranh kinh doanh ảm đạm của doanh nghiệp này khi hoạt động kinh doanh trong các năm gần đây đều thua lỗ.

Cụ thể, trong giai đoạn từ 26/2/2015 - 31/12/2015, Tôn Vikor lỗ gần 18,5 tỷ đồng. Sang năm 2016, doanh nghiệp này lỗ tiếp 2,3 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2017 lỗ thêm 4 tỷ đồng. Kết quả này nâng tổng số lỗ lũy kế của Tôn Vikor đến thời điểm cuối quý I/2017 là gần 25 tỷ đồng và làm cho vốn chủ sở hữu chỉ còn là 55 tỷ đồng.

Tôn Vikor cho biết, hoạt động kinh doanh gặp khó khăn do thị trường sắt thép có nhiều cạnh tranh, đặc biệt là sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc. Ngoài ra, mặc dù Ban lãnh đạo Tôn Vikor nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết để giảm số lỗ đến mức thấp nhất, nhưng do dây chuyền sản xuất của Công ty công nghệ cũ, tốc độ dây chuyền chậm, dẫn đến chi phí sản xuất cao ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh.

Với những khó khăn như vậy, Tôn Vikor dự kiến cả năm 2017 lỗ 11 tỷ đồng và năm 2018 tiếp tục lỗ 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 chưa được ĐHĐCĐ thông qua. 

Khó trả nợ

Trong giai đoạn từ 26/2/2015 - 31/12/2015, Tôn Vikor lỗ gần 18,5 tỷ đồng. Sang năm 2016, doanh nghiệp này lỗ tiếp 2,3 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2017 lỗ thêm 4 tỷ đồng. Kết quả này nâng tổng số lỗ lũy kế của Tôn Vikor đến thời điểm cuối quý I/2017 là gần 25 tỷ đồng.
Cùng với bức tranh kinh doanh ảm đạm, bức tranh tài chính của Tôn Vikor cũng không mấy sáng sủa. Tính đến thời điểm 31/3/2017, tổng nợ phải trả của Công ty là 99,3 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thời điểm đầu năm và chiếm tới 64% tổng tài sản. Trong tổng nợ phải trả, chiếm tỷ trọng lớn nhất là tổng vay và nợ thuê tài chính 76,5 tỷ đồng (trong đó, ngắn hạn là 23,1 tỷ đồng và dài hạn là 54,7 tỷ đồng), không đổi so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, Tôn Vikor có khoản nợ ngắn hạn với các cá nhân là 23,1 tỷ đồng. Còn về các khoản nợ dài hạn, doanh nghiệp này đang nợ DATC 14,7 tỷ đồng và nợ SBIC 40 tỷ đồng.

Mặc dù trong Báo cáo tài chính quý I/2017, khoản nợ 54,7 tỷ đồng được ghi nhận là nợ dài hạn, nhưng trong bản công bố thông tin thì đây là các khoản nợ dài hạn đã đến hạn thanh toán. Như vậy, nếu các khoản nợ dài hạn trên đã đến hạn phải trả thì sẽ được ghi nhận là nợ ngắn hạn và làm cho tổng vay nợ ngắn hạn của Tôn Vikor lên đến 76,5 tỷ đồng.

Với hoạt động kinh doanh trong các năm tới không mấy khả quan do công nghệ dây chuyền sản xuất cũ, cùng với áp lực từ các khoản nợ ngắn hạn, tính hấp dẫn của thương vụ đấu giá này dự báo sẽ giảm đi đáng kể.         

Chuyên đề