Tín dụng tăng trưởng tích cực, lãi suất ổn định

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tín dụng tháng 6 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,4%), đáng chú ý là cơ cấu tín dụng tăng tỉ trọng ngắn hạn.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng trung dài hạn và tăng tỉ trọng ngắn hạn: Ước tính tỉ trọng tín dụng ngắn hạn là 45,9% (cuối năm 2016 là 44,9%); tỉ trọng tín dụng trung và dài hạn giảm xuống còn 54,1% (cuối năm 2016 là 55,1%).

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định, nhưng tín dụng ngoại tệ tăng nhanh. Tín dụng VNĐ ước tăng 7,7% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 9,7 %), chiếm khoảng 91,6% (không thay đổi so với cùng kỳ 2016). Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh trong tháng, ước tính 6 tháng đầu năm 2017 tăng 7,3% so cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 giảm 3,5%), chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Về thanh khoản hệ thống ngân hàng, UBGSTCQG phân tích, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào kể từ sau tháng 5 sau khi có dấu hiệu căng thẳng cục bộ theo chu kỳ đến hết tháng 4. Tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) ước tính cả hệ thống TCTD là 87%, tăng 1,53 điểm % so với cuối năm 2016.

Tăng trưởng huy động 6 tháng đầu năm ước tăng 6,1% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ là 10,2%). Thanh khoản tiếp tục được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm (tính đến cuối T5/2017 tiền gửi của KBNN là 143 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm).

Lãi suất liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-2,5 điểm % so với cuối tháng 4 (tính đến 28/6/2017), về mức 2,6-3,4%. Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường từ dân cư, các tổ chức kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2017 nhìn chung có xu hướng tăng nhẹ. Tính đến 20/6/2017, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống tăng khoảng 0,03 điểm % đối với kỳ hạn trên 12 tháng và ổn định ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay tương đối ổn định.

UBGSTCQG nhận định, 6 tháng cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 40% kể từ 1/1/2018.

Tuy nhiên, việc ổn định lãi suất trong những tháng cuối năm vẫn có các yếu tố hỗ trợ từ phía trong nước và quốc tế. Đó là, áp lực từ phía tỉ giá không quá lớn do lộ trình tăng lãi suất của Fed có thể dự báo được nên sức ảnh hưởng không nhiều. Hơn nữa, đồng USD đã giảm 5,1% và động thái điều hành tỷ giá chủ động của NHNN trong nửa đầu năm 2017. Ở góc độ vĩ mô, lạm phát nhiều khả năng đạt được kế hoạch của Quốc hội (4%); việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) 6 tháng cuối năm chỉ còn hơn 30% kế hoạch, làm giảm áp lực lên lợi suất TPCP, tạo điều kiện hỗ trợ việc ổn định lãi suất.

UBGSTCQG kỳ vọng, nút thắt xử lý nợ xấu đã có cơ chế pháp lý thuận lợi khi Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD, có hiệu lực ngay từ ngày 15/8/2017.

Ngoài ra, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016, cơ quan này cho rằng, cần tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất USD và VNĐ ở mức hợp lý, với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỉ giá tăng 2-4%. Như hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7,1% vẫn bảo đảm có lợi cho VNĐ. Đồng thời, các NHTM sẽ phải nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ chủ trương ổn định lãi suất của Chính phủ.

Chuyên đề