Tín dụng ngoại tệ: Mở đầu ra, thắt chặt đầu vào

(BĐT) - Câu chuyện lãi suất tiền gửi bằng USD dường như vẫn chưa có hồi kết khi mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại tiếp tục “nới” cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nhà điều hành dường như vẫn kiên định với chính sách trần lãi suất huy động USD bằng 0% trong khi “đầu ra” của ngoại tệ này tại các ngân hàng thương mại đang được “mở van”.
Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Quyết liệt chống đô la hóa

Nhìn lại thị trường ngoại hối hơn nửa năm qua có thể thấy, chưa khi nào câu chuyện chống đô la hóa được thực hiện rốt ráo như thế. Một loạt các quyết định mang tính lịch sử đã được NHNN đưa ra nhằm đẩy lùi tình trạng đô la hóa nền kinh tế.   

Còn nhớ những quyết định lịch sử của NHNN trong việc chống đô la hóa nền kinh tế khi từ ngày 18/12/2015, mọi khoản tiền gửi bằng USD chỉ được nhận lãi suất 0%. Trước đó, ngày 25/9/2015, NHNN đã tiến hành trước một bước hạ mức lãi suất về 0% đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).

Không lâu sau đó, nhà điều hành đã thực hiện bước đi tiếp theo khi ngay từ những ngày đầu năm 2016, cơ chế tỷ giá trung tâm được niêm yết hàng ngày. Chính sách mới này ngay lập tức đã khiến giới đầu cơ “khóc ròng” khi cơ hội đầu cơ “lướt sóng” không còn. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp ổn định thị trường ngoại hối và tăng cường giải pháp chống “đô la hóa” nền kinh tế.

Và gần đây nhất, NHNN lại ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ 1/6/2016, nhóm khách hàng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay sẽ tiếp tục được vay ngoại tệ đến hết tháng 12/2016.

Như vậy, NHNN đang áp dụng chính sách chỉ “mở” đầu ra cho các ngân hàng nhưng lại “thắt chặt” đầu vào với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%. Do đó, giới phân tích lo ngại với việc tiếp tục “nới” cho vay ngoại tệ ngắn hạn áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ dẫn đến mất cân đối cung cầu và điều này đòi hỏi phải nâng trần lãi suất USD để khuyến khích người dân gửi ngoại tệ vào ngân hàng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Đỗ Duy Cường cho rằng, khi ngân hàng được cấp tín dụng ngoại tệ trở lại, cụ thể là USD thì nhu cầu USD để cho doanh nghiệp vay sẽ tăng, trong khi đó, nếu lãi suất huy động USD tiếp tục ở mức 0% thì có thể dẫn tới mất cân đối về kỳ hạn "đầu ra - đầu vào".

Có nên nâng trần lãi suất USD?

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trong nền kinh tế vẫn đang có một lượng USD được người dân và doanh nghiệp găm giữ hoặc đang gửi ở đâu đó ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sẽ là lãng phí nếu không đưa được lượng tiền này vào sản xuất kinh doanh
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trong nền kinh tế vẫn đang có một lượng USD được người dân và doanh nghiệp găm giữ hoặc đang gửi ở đâu đó ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sẽ là lãng phí nếu không đưa được lượng tiền này vào sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm lại. Bởi vậy, cần phải nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD lên để khuyến khích dòng vốn ngoại tệ “chảy” vào nền kinh tế.

Bình luận về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, nếu NHNN nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ có thể sẽ có thêm cơ hội phát triển, đồng thời một số doanh nghiệp sẽ được vay tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với mức lãi suất cho vay bằng VND hiện nay. Tuy nhiên, mặt trái của nó sẽ là khuyến khích người dân và doanh nghiệp nắm giữ USD.

Ngược lại, nếu NHNN vẫn kiên định với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo ổn định tỷ giá VND/USD, điều này khiến người cầm USD sẽ “nản”. Theo đó, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần, người dân và doanh nghiệp thay vì nắm giữ USD sẽ chuyển sang VND nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các ngân hàng thương mại. Từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Khi lãi suất cho vay VND giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VND sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo.

Giới phân tích nhận định, việc NHNN điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD còn 0% là một động thái tích cực trong việc loại trừ tâm lý găm giữ USD trong dân cũng như của giới đầu cơ. Đó cũng là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình chống đô la hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, chống đô la hóa đâu chỉ thực hiện trong một ngày, một tháng hay một năm, mà cần làm từng bước có lộ trình và phù hợp với tình hình, điều kiện của nền kinh tế.

NHNN dường như đang “lắng nghe” và đã có những ứng xử linh hoạt nhưng đầy kiên định. Trong mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm 2016, “tân” Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vẫn kiên định với chính sách chống đô la hóa mà người tiền nhiệm đã thực hiện.

Tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016, Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo tiếp tục công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Đặc biệt, người đứng đầu ngành ngân hàng cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, bảo đảm phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ.

Chuyên đề