Tín dụng ngân hàng đang “phớt lờ” doanh nghiệp nhỏ?

Tín dụng ngân hàng hiện nay đang được ưu tiên giải ngân cho các dự án có mức đầu tư cao, hay ứng dụng công nghệ cao trong khi đó nhu cầu vốn rất lớn đến từ các doanh nghiệp nhỏ, truyền thống lại đang bị các ngân hàng bỏ quên.
Các doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn khi tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Ảnh: TL
Các doanh nghiệp nhỏ rất khó khăn khi tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Ảnh: TL

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tham dự Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại TPHCM sáng 18-4 đã phản ánh về tình trạng khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng dù tín dụng cho khu vực này tăng đều hàng năm. Bên cạnh đó nhiều chương trình kết nối được tổ chức nhưng nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng vẫn ngoài tầm với, chi phí vay vốn vẫn rất cao.

Tín dụng tăng đều nhưng doanh nghiệp nhỏ đói vốn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng đều qua các năm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2019 tín dụng tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018, trong đó tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 1.307.000 tỉ đồng, tăng 15,57%, chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Báo cáo cũng cho biết, 54% dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ; 41% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; 5% là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Riêng tại địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, cho biết trong nhiều năm qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn đã được triển khai. Tính đến cuối năm 2018, các ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng từ đầu năm đã giải ngân cho vay hơn 10.000 doanh nghiệp với tổng số tiền là hơn 260.000 tỉ đồng, vượt so với số tiền cam kết ban đầu là hơn 9.400 tỉ đồng.

Năm 2019, có 15 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với tổng số tiền đăng ký theo gói tín dụng năm 2019 là gần 270.000 tỉ đồng. Đến thời điểm 31-3-2019, các ngân hàng đã giải ngân số tiền là 9.122 tỉ đồng cho hơn 1.000 khách hàng.

Dù con số của báo cáo này rất khả quan nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm chủ lực của thành phố nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Một câu hỏi được hầu hết doanh nghiệp quan tâm là giải pháp nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng?

Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Cơ khí thương mại Đại Dũng, công ty xây dựng đầu tiên của Việt Nam tham gia xây dựng sân vân động WorlCup 2022 tại Quatar cho biết, doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn vay ngân hàng để đảm bảo tài trợ vốn lưu động, phát hành các bảo lãnh để dự thầu, đầu tư dây chuyền máy móc theo công nghệ mới.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận các ngân hàng đã gặp nhiều trở ngại như nguồn vốn tài trợ với chi phí thuê vốn rất cao, có ngân hàng áp dụng đến 8,9%/năm cho gói vay ngắn hạn 6 tháng. Doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu lớn vì thiếu hạn mức bảo lãnh, phía ngân hàng cũng chưa hỗ trợ tư vấn được cho doanh nghiệp.

Trong khi đó ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, nỗ lực điều chỉnh dòng tín dụng vào khu vực sản xuất của NHNN là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong nội hàm khu vực này vốn ngân hàng cũng phần lớn ưu tiên cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trong khi đó những doanh nghiệp thủ công truyền thống vẫn đang rất bế tắc trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

“Ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô lớn cần được ưu tiên nhưng ngân hàng không nên bỏ qua các doanh nghiệp truyền thống có quy mô nhỏ. Bởi sản phẩm của họ đặc thù và không có công nghệ nào áp dụng được. Các loại hình doanh nghiệp này rất cần vốn để mở rộng quy mô nhưng lại rất ngại vay vì nhiều lần tiếp cận trước đó quá khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay cũng có nhiều ngân hàng đang tìm kiếm doanh nghiệp thì không nên bỏ qua họ vì nếu có nguồn vốn hỗ trợ từ ngân hàng thì chắc chắn các doanh nghiệp này sẽ có sự đột phá trong tăng trưởng”, ông Việt Anh cho biết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều cảm thấy “tủi thân” trong câu chuyện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Ông Lương Nguyễn Xuân Vũ, Chủ nhiệm CLB doanh nghiệp Tam Nông TPHCM bức xúc: “Mặc dù nghe thông tin là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được vay với mức lãi suất ưu đãi theo quy định của nhà nước là tối đa 6,5%, thế nhưng thời gian qua khi tiếp cận với các ngân hàng thì mức lãi suất thấp nhất mà doanh nghiệp này được vay là 8,8% cho đến 11%/năm.”

Khó tìm được tiếng nói chung với tài sản thế chấp

Vấn đề tài sản thế chấp thực sự là một vấn đề nan giải chung hiện nay trong câu chuyện tìm được tiếng nói chung giữa ngân hàng và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp sản xuất thường thuê và mua đất trong các khu công nghiệp (KCN) với thời hạn rất dài, giá trị đất ngày càng tăng nhưng không được ngân hàng xem là tài sản thế chấp vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay tín chấp các ngân hàng đưa ra rất thấp, lãi suất vay cao không hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp.

“Về vấn đề tài sản thế chấp, phía ngân hàng vẫn yêu cầu nhiều tài sản thế chấp nhưng tỷ lệ cho vay thấp, 1 đồng thế chấp chỉ vay được 2 đồng như vậy rất khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tài sản của doanh nghiệp chủ yếu là đất thuê trong KCN thời gian hàng chục năm rất có giá trị nhưng không được cấp giấy chủ quyền và vì vậy ngân hàng không nhận thế chấp”. Ông Nguyễn Văn Hậu, Giám đốc tài chính Công ty Đại Dũng chia sẻ.

Không chỉ vậy, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thì tài sản thế chấp chỉ có đất đai là đất nông nghiệp luôn bị ngân hàng định giá thấp và mức cho vay chỉ đạt 50% trên định giá tài sản. Bên cạnh đó, các chính sách quy định của ngân hàng lại hay thay đổi khi thay đổi nhân sự lãnh đạo càng khiến cho doanh nghiệp khó mà trở tay kịp.

Trong khi đó nhiều ngân hàng cho rằng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch... Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng khi quyết định cho vay vốn.

Phản hồi những vấn đề trên, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp cần đồng hành, ngồi lại trao đổi với nhau để tìm ra giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, NHNN sẽ xem xét việc hạ thấp điều kiện cho vay, để việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ được thuận lợi hơn.

Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau và để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cần chọn lọc những doanh nghiệp có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Chuyên đề