“Tín dụng đen”: Bao giờ mới hết hoành hành?

(BĐT) - Gần đây, ở nhiều nơi, hoạt động tín dụng đen vẫn phát triển, thậm chí “không ngừng bùng nổ”. Vậy nguyên do nào khiến tín dụng đen vẫn hấp dẫn người dân đến vậy và làm thế nào để “loại bỏ” hoạt động này ra khỏi thị trường tài chính?
Lãi suất “tín dụng đen” cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng thương mại. Ảnh: NT st
Lãi suất “tín dụng đen” cao gấp nhiều lần so với lãi suất ngân hàng thương mại. Ảnh: NT st

Cho đến nay, nhiều người dân tại thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên vẫn bàng hoàng khi nhớ lại “cơn bão tín dụng đen” quét qua đây tròn 4 năm trước. Không ít gia đình ở miền quê này đã “mất cả chì lẫn chài” sau vụ việc ấy. Đây cũng là bài học đắt giá và nhiều người đã “đoạn tuyệt” hoàn toàn với hoạt động này.

Tuy nhiên, bài học để đời của nhiều người dân Yên Mỹ cũng như nhiều vùng quê khác dường như vẫn không đủ sức lan tỏa. Gần đây, ở nhiều nơi, hoạt động tín dụng đen vẫn phát triển, thậm chí “không ngừng bùng nổ”. Vậy nguyên do nào khiến tín dụng đen vẫn hấp dẫn người dân đến vậy và làm thế nào để “loại bỏ” hoạt động này ra khỏi thị trường tài chính?

Lãi cao thì mặc lãi cao

Nói đến “tín dụng đen” giới chuyên gia nhìn nhận, đây là hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, là thế giới giao dịch ngầm không qua hệ thống ngân hàng chính thức. Hiện tượng phổ biến nhất của “tín dụng đen” là sự kết hợp của hai yếu tố cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật. 

Tại “thế giới ngầm tín dụng đen” này, dù lãi suất cao gấp nhiều lần so với hệ thống ngân hàng thương mại nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận với mức lãi suất cho vay phổ biến ở mức 5.000 - 6.000 đồng/triệu/ngày, tương đương 15 -18%/tháng và khoảng 200%/năm.

“Tín dụng đen” là ung nhọt của thị trường tín dụng, cần phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể.TS. Lê Xuân Nghĩa

Trong khi đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay tại hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay phổ biến từ 9 - 11%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 8 - 9%/năm. Mức lãi suất này đã về khá thấp, ngang mặt bằng của thị trường khoảng 10 năm về trước.

Như vậy, nếu làm phép so sánh có thể thấy lãi suất cho vay tín dụng đen đang cao tới 20 lần lãi suất ngân hàng. Và dù có khập khiễng “một trời một vực”, “tín dụng đen” vẫn có đất sống. Đây vẫn đang là dấu hỏi lớn cho thị trường tài chính lâu nay.

Có cầu ắt có cung! Nhiều người dân cho biết, lợi thế của “tín dụng đen” là đáp ứng ngay và luôn nhu cầu của họ, trong khi nếu vay tiền từ ngân hàng thì phải tuân thủ theo đúng quy trình, điều kiện khá khắt khe và giải ngân sau đó một thời gian. Thậm chí, nhiều người không có tài sản đảm bảo, không có lịch sử tín dụng và không đủ điều kiện để vay ngân hàng.

Chị Nguyễn Thị Bình, một người dân kinh doanh ở Hưng Yên cho biết, vay tiền từ các tổ chức tín dụng đen nhanh, gọn, cần là có ngay. “Nói nôm na thế này, chẳng hạn tôi cần vài chục triệu trả tiền hàng ngay trong ngày hôm nay. Tôi chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là đi “vay nóng” nếu không vay được của người thân. Còn vay ngân hàng làm sao có ngay được, mà chắc gì đã vay được vì nhiều thủ tục chặt chẽ. Thế cho nên lãi cao thì cũng chấp nhận, quan trọng là được việc cho mình”, chị Bình nói.

Nhiều chuyên gia nhận định, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay để góp phần loại bỏ hoạt động giao dịch ngầm trong thị trường tài chính này là đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây là một hình thức cho vay mới phát triển trong một vài năm gần đây và giới chuyên gia đánh giá tiềm năng của nó trong tương lai là rất lớn. 

Có thay thế “tín dụng đen”?

Là hình thức cho vay mới xuất hiện, cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, nhằm phân biệt với hoạt động cho vay thương mại đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các khoản cho vay tiêu dùng  hiện nay do ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng cung ứng, dưới các hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua đồ dùng gia đình qua các hình thức như cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng…

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận định, cho vay tiêu dùng nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, mang lại cơ hội sử dụng dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập trung bình thấp, bởi các đối tượng này thường bị các ngân hàng thương mại truyền thống từ chối cho vay vì khó chứng minh khả năng trả nợ.

Theo đó, cho vay tiêu dùng góp phần làm thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” có lãi suất quá cao, qua đó tránh được rủi ro.

Người đứng đầu Vụ Chính sách tiền tệ phân tích, cho vay tiêu dùng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho người dân, từ đó giúp họ quản lý tài chính cá nhân tốt hơn, tạo nền tảng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác để đáp ứng nhu cầu tài chính của mình một cách tối ưu.

Cùng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng nhận định, “tín dụng đen” là ung nhọt của thị trường tín dụng, cần phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Để kích thích tín dụng tiêu dùng tăng trưởng và có cơ hội thu hẹp dần “tín dụng đen”, cần có thêm các công ty tài chính tham gia hoạt động cho vay tiêu dùng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, mà cạnh tranh về dịch vụ, lãi suất sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và quan trọng hơn là thu hẹp dần “tín dụng đen”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân. Do đó, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Với số lượng tổ chức tín dụng tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn và có nhiều ưu đãi, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Qua đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn, có nhiều ưu đãi hơn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng và mục tiêu giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi quyết định tham gia vay tiêu dùng.

Chuyên đề