Tiếp tục cho vay ngoại tệ trong năm 2018

Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sáng nay (17/11), Thống đốc Lê Minh Hưng đã chính thức nêu quyết định về hướng tín dụng ngoại tệ, khi thời hạn chính sách này chỉ còn hơn một tháng.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến tháng 10/2017, tín dụng ngoại tệ ước tính đã tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%)
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến tháng 10/2017, tín dụng ngoại tệ ước tính đã tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%)

Cụ thể, đại biểu Quốc hội quan tâm, theo quy định hiện hành, chính sách cho vay ngoại tệ có thời hạn đến 31/12/2017. Sau thời điểm đó, nguồn vốn này có tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp hay không?

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, trong lộ trình ổn định tỷ giá và chống đô la hóa, Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhóm các giải pháp, trong đó có định hướng chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán, hướng đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, từ thực tiễn yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã giãn thời hạn, tiếp tục mở cơ chế cho vay ngoại tệ ngắn hạn, vì đây là nguồn cho vay có chi phí thấp hơn so với vay bằng VND.

Thống đốc cho biết, qua tiếp xúc và tìm hiểu hoạt động của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để giữ ổn định tỷ giá. Điều này góp phần củng cố thêm giá trị nguồn vốn, hạn chế rủi ro đối với doanh nghiệp khi vay ngoại tệ.

Với lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn nhiều so với vay VND, cùng tỷ giá được giữ ổn định kéo dài trong thời gian qua, tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay đã có tốc độ tăng trưởng đáng kể.

Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến tháng 10/2017, tín dụng ngoại tệ ước tính đã tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).

Chuyên đề