Thu NSNN năm 2016 tăng: Đã thực sự đáng mừng?

(BĐT) - Kết quả thu NSNN vượt so với dự toán nhưng số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất, cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội đánh giá về thu NSNN sau khi nghe báo cáo của Chính phủ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2016, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2017 tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc sáng 15/5. 

Tăng thu từ đất

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng thu NSNN 2016 thực hiện đạt 1.101,38 nghìn tỷ đồng, tăng 86,88 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tăng hơn 62 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ hai. Trong đó, thu nội địa là chủ yếu, với mức thu đạt 879,36 nghìn tỷ đồng.

UBTCNS đánh giá thu NSNN vượt khá cao so với dự toán, vượt so với số đã báo cáo Quốc hội cho thấy những nỗ lực rất cao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ thị trường và sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp,...

Tuy nhiên, theo UBTCNS, mặc dù thu NSNN vượt dự toán và tăng thêm so với số đã báo cáo Quốc hội khá cao, nhưng số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất (thu tiền sử dụng đất tăng 97,5% so dự toán) do cơ chế, điều chỉnh chính sách như thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp. Thu ngân sách địa phương vượt dự toán cao, nhưng nếu trừ thu tiền sử dụng đất thì có 12 địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương khoảng 5,3 nghìn tỷ đồng. 

Mặt khác, đây là năm thứ hai liên tiếp số liệu đánh giá bổ sung chênh lệch khá lớn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Ủy ban TCNS cho rằng, Chính phủ cần phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tránh trường hợp ước thu thấp, không sát thực tế vào cuối năm vì sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng dự toán năm sau.

UBTCNS cũng cho rằng, một số DNNN hoạt động kém hiệu quả, công tác cổ phần hóa triển khai chậm, các khoản thu nộp ngân sách không đạt kế hoạch; một số khoản thu thấp hơn so với số báo cáo Quốc hội, như: thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân. Trong bối cảnh những tháng cuối năm 2016 hoạt động sản xuất kinh doanh đã có những bước khởi sắc, thu từ những khu vực này đạt thấp hơn dự kiến là chưa thật hợp lý. Ủy ban đề nghị Chính phủ có thể phân tích, giải trình rõ hơn một số khoản thu còn tồn đọng như thu cổ tức và lợi nhuận còn lại sau thuế của DNNN; đồng thời rút kinh nghiệm lập kế hoạch thu của DNNN cho sát với thực tế.

Ngoài ra, trong năm 2016, công tác kiểm tra, thanh tra đã được tăng cường hơn, nhưng qua kết quả giám sát ở một số địa phương cho thấy, tình trạng nợ đọng thuế ở nhiều địa phương vẫn tăng cao hơn năm trước và có nhiều tổ chức, cá nhân gian lận trong kê khai, trốn thuế, chiếm dụng tiền thuế của NSNN, nợ đọng thuế kéo dài… còn khá phổ biến.

Thu NSNN từ sản xuất kinh doanh đảm bảo chủ động hơn

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế, chính sách mới theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7% như Nghị quyết của Quốc hội.
Về thu NSNN 4 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, ước đạt 32,7% dự toán, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó hầu hết các khoản thu đều tăng so với cùng kỳ. Cân đối Ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách và trả nợ gốc tiền vay của NSNN theo dự toán.

Đa số ý kiến trong UBTCNS đánh giá cao các giải pháp thu NSNN tích cực ngay từ những tháng đầu năm 2017 của Chính phủ. Những kết quả ban đầu của việc thu NSNN cho thấy cân đối NSNN đã có những bước thuận lợi khi kinh tế toàn cầu tiếp tục đà hồi phục, giá dầu thô trên thị trường thế giới ở mức cao  (56USD/thùng);  mức tăng trưởng kinh tế trong nước so với cùng kỳ đạt khá, tiến độ thực hiện dự toán thu, chi NSNN cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình chính trị thế giới nhiều biến động, giá dầu thô trên thế giới chưa thực sự ổn định; ở trong nước xuất hiện những khó khăn, như: giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng thấp, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp so với mục tiêu phấn đấu cả năm; nhập siêu gia tăng, cung thừa ở một số sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi...  Điều này đòi hỏi thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước phải đảm bảo chủ động hơn; điều hành chính sách tài khóa phải thận trọng, siết chặt hơn chi thường xuyên, huy động vốn đầu tư sát hơn với tiến độ giải ngân, bảo đảm tính chủ động, an toàn trong cân đối NSNN.

UBTCNS đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 27/2016/QH14 về dự toán NSNN năm 2017 để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số thu vào NSNN; có giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng ở mức cao hơn, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển vững mạnh.   

Chuyên đề