Thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2019 - 2020: Lại lo khó đảm bảo tiến độ

(BĐT) - Trong giai đoạn 2019 - 2020, số lượng doanh nghiệp (DN) thuộc diện phải thoái vốn lên tới hàng trăm DN theo yêu cầu đặt ra tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Với tình hình này, nhiều khả năng thời gian hoàn thành thoái vốn sẽ kéo dài, bởi có thể phát sinh một số vướng mắc, khó khăn.
Năm 2019, dự kiến SCIC phải tiếp nhận số lượng lớn DNNN chuyển giao nên cần có đánh giá thêm về tính khả thi trong thực hiện
Năm 2019, dự kiến SCIC phải tiếp nhận số lượng lớn DNNN chuyển giao nên cần có đánh giá thêm về tính khả thi trong thực hiện

Ì ạch tiến độ thoái vốn

Chậm chạp và chưa đạt tiến độ đề ra là kết quả rà soát tình hình thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN được cơ quan chức năng trình Chính phủ mới đây.

Số liệu cho thấy, đến hết ngày 12/3/2019, có 24 bộ, địa phương và DN nhà nước (DNNN) gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Trong đó, các đơn vị này đều xin Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện phương án thoái vốn để được phê duyệt hoàn thành trong năm 2019 - 2020. Lý do là, đến thời điểm báo cáo có tới 156 DN chưa hoàn thành thoái vốn kế hoạch 2017 - 2018. 

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN về công tác sắp xếp, đổi mới DN của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban cho biết, theo kế hoạch thoái vốn nhà nước tại DN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 3/19 DN thuộc diện phải thực hiện thoái vốn. Đó là: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (thoái 24,86% năm 2018); Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (thoái 20% năm 2018 và 10,04% năm 2020); Tổng công ty Hàng không Việt Nam (thoái 35,16% năm 2019) với tổng giá trị vốn phải thoái tại 3 DN (tính theo mệnh giá) là hơn 140.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay 3 DN này vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, có 62 DN thuộc diện các bộ, ngành, địa phương bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, các bộ, ngành, địa phương mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 29/62 DN với tổng vốn nhà nước là 3.702 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ hơn 7.300 tỷ đồng. Số DN chưa chuyển giao là 33 DN với tổng số vốn nhà nước khoảng 7.500 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 14.706 tỷ đồng tại 4 bộ và 8 tỉnh, thành phố.

Tình hình thoái vốn tại các DN con, liên kết của các tập đoàn, tổng công ty đến nay cũng rất chậm. Cụ thể, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành thoái vốn tại 2 đơn vị, thu về số tiền 2.076 tỷ đồng, thặng dư khoảng 950 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện thoái vốn tại 2 DN, thu về hơn 296 tỷ đồng... Còn lại vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn.

Không ít khó khăn, thách thức

Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo của các bộ, địa phương, Bộ KH&ĐT đang xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung Quyết định 1232/QĐ-TTg, trong đó dự kiến điều chỉnh danh mục thoái vốn năm 2019, 2020.

Theo dự kiến, năm 2019, các bộ, địa phương tiếp tục thực hiện thoái vốn tại khoảng 120 DN, chuyển giao hơn 100 DN về SCIC để thoái vốn. Năm 2020, thoái vốn tại gần 40 DN.

Tuy nhiên, việc thực hiện thoái vốn theo phương án đề xuất khó hoàn thành do có thể phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là thời gian hoàn thành thoái vốn có thể sẽ bị kéo dài do mất thêm thời gian bàn giao về SCIC. Theo hướng dẫn tại Thông tư 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018, việc chuyển giao DN từ bộ, địa phương về SCIC phải thực hiện một số thủ tục, trình tự nhất định để xây dựng hồ sơ và thực hiện chuyển giao DN, nên có thể không kịp thoái vốn theo kế hoạch. Thêm nữa, trong năm 2019, dự kiến SCIC phải tiếp nhận số lượng lớn DN chuyển giao nên cần có đánh giá thêm về tính khả thi trong thực hiện.

Ngoài ra, việc chuyển giao DN về SCIC có thể phát sinh thêm kinh phí thực hiện và vướng mắc pháp lý khi xử lý chuyển tiếp các hợp đồng tư vấn, định giá, chứng thư thẩm định giá quá thời hạn.

Theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tiền bán vốn nhà nước tại một số DN là 250.000 tỷ đồng thuộc nguồn vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách trung ương. Theo quy định hiện hành, các bộ, địa phương sau khi hoàn thành thoái vốn theo danh mục được phê duyệt tại Quyết định 1232/QĐ-TTg thì phải chuyển nguồn thu từ thoái vốn, cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ và sắp xếp DN để Bộ Tài chính tổng hợp và cân đối nộp ngân sách trung ương.

Trường hợp giao SCIC thực hiện thoái vốn tại các DN thuộc bộ, địa phương chuyển giao thêm, thì nguồn thu từ thoái vốn tại các DN này sau khi SCIC hoàn thành thoái vốn sẽ không được chuyển về Quỹ hỗ trợ và sắp xếp DN, mà được hạch toán vào vốn chủ sở hữu và doanh thu của SCIC theo quy định hiện hành. Do vậy, việc chuyển giao bổ sung DN về SCIC cần phải rà soát và tính toán khả năng đảm bảo nguồn thu từ bán vốn nhà nước tại DN theo đúng quy định tại Nghị quyết số 26/2016/QH14.

Chuyên đề