Thoái vốn nhà nước: Lợi đơn, lợi kép

(BĐT) - Chưa cán mốc điểm số kỷ lục thiết lập tháng 3/2008 (1.170 điểm) nhưng chỉ số chứng khoán năm 2017 đã tăng rất mạnh giúp xuất hiện những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”. 
Thoái vốn nhà nước: Lợi đơn, lợi kép

Một trong nhiều kỷ lục đó là những thương vụ thoái vốn nhà nước thành công lên đến hàng tỷ USD. Nhiều người ví, việc thoái vốn nhà nước lợi đơn, lợi kép. 

Sabeco, Vinamilk: Hai thương vụ thoái vốn lớn nhất trong năm 2017

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, năm 2017, nhiều thương vụ đấu giá cổ phần “khủng” đã được diễn ra. Tính chung năm 2017, có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 8 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2018.

Trong năm 2017, tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản và quỹ đầu tư), các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng; còn ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm đã thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng.

Riêng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trong năm 2017, đã thực hiện bán vốn tại 40 doanh nghiệp với giá trị là 1.903 tỷ đồng, thu về 21.639 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý nhất là thương vụ bán thành công hơn 343 triệu cổ phần, tương đương 53,6% vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Tại thương vụ này, Công ty TNHH Vietnam Beverage - công ty liên quan tới tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã bỏ ra tới gần 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD để mua lại số cổ phần nêu trên của Sabeco, với mức giá là 320.000 đồng/cổ phần, tương đương P/E lớn hơn 45. Đây là một bất ngờ lớn, bởi mức giá trung bình của ngành hàng này trong khu vực tại thời điểm đó chỉ xấp xỉ một nửa. Có lẽ vì điều này mà thương vụ thoái vốn ở Sebeco được nhận định là một thương vụ vô cùng hiếm và gây được tiếng vang lớn, vì thực tế không có một công ty bia lớn nào trên thế giới lại bán được trên 50% cổ phần ngay trong một đợt chào bán.

Ngoài Sabeco, Vinamilk là thương vụ bán vốn thành công tiếp theo. Tại lần thoái vốn thứ 2 được tổ chức vào ngày 10/11/2017, SCIC đã bán thành công trọn lô 48,333 triệu cổ phần của Vinamilk, tương đương 3,33% vốn của doanh nghiệp này cho quỹ ngoại Platium Victory Pte., Ltd. với giá 186.000 đồng/cổ phần, cao hơn giá khởi điểm 24%. Tổng giá trị cổ phần bán được là gần 9.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với giá trị tính trên giá khởi điểm.

Mặc dù được đánh giá là bán với giá khá tốt nhưng sau thương vụ này, cổ phiếu VNM của Vinamilk tiếp tục bứt tốc. Điều này hứa hẹn giá trị lớn trong đợt thoái vốn VNM tiếp theo do SCIC sở hữu. 

Lợi đơn, lợi kép

Việc thoái vốn cổ phần nhà nước được nhiều chuyên gia nhận định là động thái tích cực. Đặt trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước của các doanh nghiệp đã đưa vào cân đối vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 khoảng 60.000 tỷ đồng được Quốc hội giao.

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế, đây là yếu tố giúp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải minh bạch thông tin quản trị, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Ông Thomas Felix Baden - Quyền Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ hợp lực (Unicap) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam và các DN Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ thoái vốn DNNN. Đó là cách tích cực để các DN này xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, giúp DN Việt mở rộng đầu tư ra quốc tế.

Với thị trường chứng khoán, yếu tố thoái vốn nhà nước đã tạo nên cơn sóng tích cực với chỉ số. Tính đến cuối năm 2017, VN-Index đã tăng 43% so với năm 2016 và nằm trong số 5 chỉ số chứng khoán trên thế giới tăng trưởng mạnh nhất từ đầu năm 2017. Điều này khá dễ hiểu bởi nhiều DN được thoái vốn và thực hiện IPO là các DN có nền tảng tốt. Ngoài Sabeco và Vinamilk, các công ty trong danh mục của SCIC dự kiến thoái vốn như Công ty CP FPT, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế Domesco, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam, Công ty CP Nhựa Bình Minh, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng đã tăng khá mạnh khi SCIC tổ chức roadshow cơ hội đầu tư.

Có thể nói, sự hưng phấn này đã kéo chỉ số VN-Index tăng rất mạnh trong quý IV/2017, và việc khối ngoại tiếp tục mua ròng cổ phiếu dù P/E nhiều cổ phiếu quá cao đồng nghĩa việc họ chấp nhận mức giá cổ phiếu cao, dẫn đến khả năng “đánh giá lại” thị trường.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: “Thoái vốn hay cổ phần hoá là khâu rất quan trọng của tái cấu trúc khu vực DNNN. Sâu xa hơn, nó là kết quả chứng minh Việt Nam có thực sự làm thật, chơi thật, cải cách thật hay không. Việc Việt Nam động chạm đến các tập đoàn, đẩy mạnh cổ phần hoá đem lại niềm tin cho thị trường. Đây sẽ tiếp tục là hoạt động gắn bó khăng khít với quá trình cải cách nền kinh tế”.

Chuyên đề