Thấy gì từ diễn biến tỷ giá USD/VND?

(BĐT) - USD đã tăng giá khá ít so với VND trong những tháng đầu năm nay. Diễn biến thuận lợi này phần nhiều nhờ sự ổn định của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới và kinh tế vĩ mô trong nước khả quan. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm nay hay không?
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 17/4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 8,35 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Ảnh: Minh Dũng
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 17/4/2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua được 8,35 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Ảnh: Minh Dũng

Nhiều yếu tố thuận lợi

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm USD/VND tăng khoảng 0,89%. Đồng USD được niêm yết tại các ngân hàng cao hơn thời điểm cuối năm 2018 khoảng 80 đồng, tương ứng tăng 0,3%.

Có nhiều yếu tố khách quan giúp tỷ giá ít biến động trong những tháng đầu năm. Từ thị trường thế giới, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong quý I và dự kiến tiếp tục giữ lãi suất trong cả năm là yếu tố tích cực giúp giảm áp lực tăng giá USD trên thị trường. Bên cạnh đó, rủi ro chiến tranh tiền tệ có phần giảm bớt khi Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất về việc không can thiệp có chủ đích vào tỷ giá.

Ở trong nước, lạm phát được giữ ổn định với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2019 được giải ngân ở mức cao, ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Thặng dư thương mại tính đến hết tháng 4 đạt hơn 711 triệu USD.

Mặt khác, cơ quan điều hành tiền tệ đã có động thái linh hoạt trong việc mua - bán ngoại tệ nhằm ổn định thị trường và tăng nguồn dự trữ ngoại hối để tạo điều kiện cho công tác điều hành tỷ giá thuận lợi hơn.

“Những động thái này thể hiện sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước khi đánh giá bối cảnh điều hành và thực hiện hoạt động mua ròng ngoại tệ. Đồng thời, việc tăng tỷ giá trung tâm cũng giúp tạo dư địa cho điều hành trong các quý cuối năm - vốn được đánh giá có nhiều bất định hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - nhận xét. 

Mối lo từ lạm phát

Nhận xét về xu hướng tỷ giá USD/VND trên thị trường trong những tháng đầu năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có nhiều yếu tố khách quan hỗ trợ công tác điều hành, đáng chú ý là động thái giữ nguyên lãi suất của Fed. “Trước đây, mỗi khi Fed quyết định tăng lãi suất, đồng USD thường có xu hướng tăng giá trên thị trường và VND khó tránh khỏi xu hướng giảm giá so với đồng tiền này. Đây là yếu tố thuận lợi giúp tỷ giá USD/VND tương đối ổn định trong thời gian qua”, ông Hiếu nói.

Về động thái của cơ quan điều hành, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ đầu năm đến ngày 17/4/2019, cơ quan này đã mua được 8,35 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

Nhận xét về điều này, ông Hiếu cho rằng: “Việc mua vào ngoại tệ của cơ quan điều hành là hợp lý trong thời gian gần đây. Nguồn dự trữ càng dày thì khả năng chống chịu với các biến động thị trường ngoại hối càng tốt. Đặc biệt từ nay đến cuối năm, còn nhiều biến động khó lường có thể tác động đến nền kinh tế”.

Từ góc độ cơ quan nghiên cứu, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt trong việc điều hành tỷ giá trung tâm và mua vào ngoại tệ trong thời gian vừa qua.

“Trong thời gian tới, cơ quan điều hành nên tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá, tránh đề ra các mục tiêu “cứng” đối với công tác điều hành tỷ giá. Theo dõi sát diễn biến các đồng tiền chủ chốt và giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ông Dương nói.

Dự báo về diễn biến tỷ giá trong những tháng còn lại của năm, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể USD cả năm nay chỉ tăng giá 1 - 2% so với cuối năm ngoái. “Đó là mức biến động tương ứng với diễn biến kinh tế trong và ngoài nước thời gian gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố từ nội tại nền kinh tế và biến động của tình hình địa chính trị bên ngoài có thể tác động đến thị trường ngoại hối. Điểm đáng chú ý nhất hiện nay là lạm phát đang chịu áp lực lớn từ đà tăng giá xăng dầu và giá điện. Nếu CPI các tháng tiếp theo tăng cao thì VND sẽ giảm giá so với USD. Từ góc độ kinh tế thế giới, mâu thuẫn nội bộ giữa Quốc hội và Nhà Trắng tại Mỹ sẽ có thể gây lộn xộn chính trị đối với quốc gia này, từ đó có thể tác động đến kinh tế Mỹ và biết đâu Fed sẽ thay đổi quyết định về lãi suất”, ông Hiếu nói và khuyến nghị: “Cần theo dõi chặt chẽ biến động của kinh tế trong và ngoài nước để có những định hướng điều hành chính sách tiền tệ phù hợp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Chuyên đề