Thanh lọc thị trường bất động sản

(BĐT) - Đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi Thông tư 36. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh doanh, nhìn  toàn cục, đây là một bước đi cần thiết để sàng lọc thị trường bất động sản.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Vấn đề đổi mới cơ bản nhất trong việc sửa đổi lần này chính là việc siết chặt tín dụng vào kinh doanh và đầu tư bất động sản (BĐS). Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt, với việc điều chỉnh hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS, NHNN đã có một sự “nhượng bộ” đối với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này khi Thông tư 06/2016/TT-NHNN chỉ nâng lên 200%, thay vì dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250% như dự thảo ban đầu và sẽ được áp dụng từ 1/1/2017.

Với việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đối với các tổ chức tín dụng, trước đó, dự thảo Thông tư 06 dự kiến sẽ “bóp” nguồn vốn này từ 60% xuống 40%, nay được giữ nguyên 60% cho hết năm 2016, 50% cho năm 2017 và bắt đầu từ năm 2018 là 40%. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, đây là một lộ trình rất rõ ràng, đòi hỏi các DN BĐS phải điều chỉnh lại nguồn vốn, cấu trúc lại việc đầu tư để có chiến lược mới phù hợp.

“Với lộ trình này, tình hình thị trường BĐS năm 2016 không có gì biến động, vì các chính sách cơ bản vẫn giữ nguyên. Nhưng năm 2016, thị trường BĐS sẽ biến động dựa vào tỷ lệ cung cầu. Nếu các DN tung hàng ra ồ ạt thì thị trường sẽ chững lại chứ không phải dễ tiêu thụ” - ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số DN BĐS cho biết, điều mà các DN BĐS, nhất là các DN có quy mô nhỏ, lo ngại là với lộ trình trên không biết họ có đủ thời gian để xoay sở hay không. “Lâu nay các DN nhỏ triển khai dự án chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và tiền bán hàng huy động từ người mua. Tới đây sẽ không thể trông chờ vào hai nguồn này được nữa, tình thế buộc các DN phải thay đổi. Chắc chắn sẽ có sự khó khăn ban đầu khi tìm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cũng như các quỹ đầu tư khác. Nhưng rõ ràng, trước hay sau thì DN cũng phải tự đi trên đôi chân của mình, chứ không thể phó thác mãi cho ngân hàng” - chủ một DN BĐS có quy mô nhỏ chia sẻ.

Việc ban hành thông tư trên dù có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là đối nghịch hoặc khác biệt, nhưng vẫn đang hứa hẹn sẽ là một bước đệm cần thiết để hướng đến sự minh bạch, bền vững cho thị trường BĐS, bởi ít nhiều đã “gạn đục khơi trong” DN và thị trường BĐS mà vụ “cầm cố” dự án The Harmano ở số 33 Trương Công Định, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM vừa mới xảy ra là một minh chứng. Trên hết, những khách hàng có nhu cầu thực về nhà ở sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, vì bớt đi cảnh “đêm trường lắm mộng” do những rủi ro, bất trắc có thể đến từ phía chủ đầu tư thiếu uy tín.

Chuyên đề