Thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh sau thông tư 203?

Theo CTCK HSC, động thái cho phép giao dịch trong ngày và bán chứng khoán trước khi về tài khoản có thể sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể từ tháng 7 sau khi Thông tư có hiệu lực.
Thanh khoản thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh sau thông tư 203?

Ngày 21/12/2015 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên TTCK.

Điểm chủ yếu của Thông tư 203 là tạo ra khung pháp lý cho hoạt động giao dịch trong ngày và mở ra khả năng bán khống ở mức độ hạn chế.

Thông tư 203 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 và có những nội dung chính:

(1) Cho phép NĐT giao dịch trong ngày – NĐT được phép giao dịch mua và bán cùng một loại chứng khoán với cùng một khối lượng giao dịch trong cùng một ngày giao dịch. Nội dung mới ở đây là NĐT có thể bán cổ phiếu và sau đó mua lại cổ phiếu đó sau. Với điều kiện là phải mua lại đủ khối lượng đã bán trong cùng ngày giao dịch.

(2) NĐT có thể bán cổ phiếu đã mua nhưng chưa về tài khoản.

Ngoài ra, thông tư cũng đưa ra một số quy định và điều kiện đối với công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ giao dịch trong ngày chẳng hạn như phải có giấy phép, có hệ thống phù hợp; Không trong thời gian thực hiện M&A, tái cơ cấu, giải thể hay bị đặt trong diện kiểm soát; Lỗ lũy kế không vượt 50% vốn điều lệ; Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, vốn chủ sở hữu phải cao hơn vốn pháp định.

Theo CTCK HSC, động thái cho phép giao dịch trong ngày và bán chứng khoán trước khi về tài khoản có thể sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng đáng kể từ tháng 7 sau khi Thông tư có hiệu lực.

Yếu tố này sẽ làm tăng cầu đối với tiền margin vì thanh khoản thị trường nói chung sẽ tăng. Ngoài việc đây sẽ là thông tin tích cực cho các công ty chứng khoán thì Thông tư sẽ làm tăng thanh khoản, đặc biệt là ở cổ phiếu vốn hóa trung bình có tiềm năng tăng trưởng; và từ đó NĐTNN sẽ chú ý hơn đến các cổ phiếu này.

Tuy nhiên, thông tư cũng chưa đề cập tới quy định chính xác về giao dịch trong ngày và việc bán chứng khoán trước khi về tài khoản sẽ xác định mức cho phép là bao nhiêu. Ngoài ra, thông tư liệu có khả năng ảnh hưởng đến quy định phải có tiền khi đặt mua chứng khoán đối với các tổ chức lớn hay không cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Nội dung về room ngoại không có trong thông tư

Thông tư 203 mới ban hành đã bỏ nội dung trong dự thảo trước đó về định nghĩa công ty nước ngoài khi giao dịch chứng khoán khi room vượt 65% trong 12 tháng liên tiếp.

Room là một trong những câu chuyện lớn đằng sau đợt tăng của thị trường từ cuối Q3 đến Q4 năm ngoái và việc thiếu bất kỳ một tiến triển liên quan đến room nào trong Thông tư được ban hành cũng có thể gây ra lực bán.

Tuy vậy, CTCK HSC dự đoán định nghĩa này có thể chưa được thống nhất và sẽ được đưa vào một thông tư hay quy định nào đó trong tương lai.

Chuyên đề