Thận trọng nới lỏng tín dụng

(BĐT) - Nhóm nghiên cứu kinh tế Market Intello vừa công bố Báo cáo chuyên đề với chủ đề “Triển vọng và thách thức tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm”. 
Con số về thành lập doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc trong quý II/2017 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Con số về thành lập doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc trong quý II/2017 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2017 có thể đạt ở con số khả quan hơn so với dự báo trước đó được chính tổ chức này đưa ra, nhưng cũng đồng thời cảnh báo về việc nới lỏng tín dụng.

Lo ngại bất ổn vĩ mô khi tín dụng tăng “nóng”

Minh chứng cho nhận định trên, Báo cáo đã chỉ ra những điểm sáng quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, sự phục hồi của kinh tế thế giới và rủi ro kinh tế và chính trị toàn cầu dần lắng xuống là những tín hiệu đáng mừng để Việt Nam thúc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mở rộng đầu tư trong nửa cuối năm 2017. Cùng với đó, những quyết tâm của Chính phủ trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% sẽ khiến cho nền kinh tế trong nước 6 tháng cuối năm tiếp tục khởi sắc.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng cảnh báo việc các doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể sẽ thận trọng trong việc giải ngân đầu tư dài hạn khi e ngại về sự bất ổn của nền kinh tế do nguy cơ tăng trưởng tín dụng quá mức trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 30/6, tín dụng của nền kinh tế đã tăng 9,06%, cao hơn cùng kỳ năm 2015 và 2016. Tín dụng năm 2017 dự báo có thể tăng từ 18 - 20%.

Nhóm nghiên cứu Market Intello cho rằng, mức tăng trưởng có thể sẽ cao hơn con số 6,4% nếu như Chính phủ thuyết phục được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư về khả năng kiểm soát được rủi ro vĩ mô trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ở mức cao. 

Làm sao để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư?

Trong bối cảnh nợ xấu còn nhiều, việc kích thích đầu tư thông qua đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể gây ra những rủi ro dài hạn nếu như nền kinh tế trong nước gặp phải những cú sốc từ bên ngoài.
Trao đổi với Báo Đấu thầu để làm rõ hơn về những nhận định nêu trong Báo cáo, TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng Nhóm nghiên cứu Market Intello cho biết, câu chuyện tăng trưởng GDP luôn là tâm điểm của dư luận trong những tháng vừa qua.

Đề cập đến cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2017, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, triển vọng là tương đối khả quan. Số liệu thống kê cho thấy, khối tư nhân đang “mạnh tay” bỏ tiền ra để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dẫn chứng điều này, ông Đinh Tuấn Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng đầu tư danh nghĩa ở khu vực tư nhân đạt 14,9%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016 (12,9%), góp phần vào mức tăng trưởng 10,5% của đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó, khu vực kinh tế FDI có sự sụt giảm về tốc độ tăng trưởng khi chỉ đạt 9,6%, thấp hơn tới 5 điểm phần trăm so với 6 tháng đầu năm 2016.

Trước đó, trong quý I/2017, đầu tư toàn xã hội đã giảm tốc ở tất cả các khu vực kinh tế. Như vậy, tốc độ đầu tư toàn xã hội phục hồi trong 6 tháng đầu năm hoàn toàn được đóng góp bởi tăng trưởng đầu tư trong quý II, đặc biệt là ở khu vực kinh tế tư nhân. “Điều này thể hiện phần nào niềm tin của các doanh nghiệp vào nền kinh tế. Doanh nghiệp tin nên mới bỏ vốn đầu tư nhiều hơn”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh đánh giá.

Ông Minh cũng cho biết, con số về thành lập doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc trong quý II thể hiện niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế. Mặc dù vậy, ông Minh vẫn khá băn khoăn con số tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm và mục tiêu cho cả năm 2017. “Chính phủ thể hiện quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 thông qua một loạt giải pháp ngắn hạn và NHNN đã có một số động thái để theo đuổi chính sách này bằng việc giảm lãi suất. Những giải pháp này sẽ góp phần hỗ trợ tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm”, ông Minh nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Minh, trong bối cảnh nợ xấu trong nền kinh tế còn nhiều, việc kích thích đầu tư thông qua đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng có thể gây ra những rủi ro dài hạn nếu như nền kinh tế trong nước gặp phải những cú sốc từ bên ngoài. Lạm phát có thể quay đầu tăng nếu như giá hàng hoá cơ bản tăng trở lại.

Điều đáng nói, theo TS. Đinh Tuấn Minh, khả năng thúc đẩy khu vực tư nhân mở rộng đầu tư có thể sẽ gặp trở ngại nếu như Chính phủ không thuyết phục được doanh nghiệp và nhà đầu tư rằng các giải pháp kích thích tăng trưởng tín dụng hiện nay sẽ không dẫn đến lạm phát tăng cao hoặc bất ổn vĩ mô trong tương lai.

“Muốn thuyết phục được nhà đầu tư, doanh nghiệp thì Chính phủ phải chứng minh được việc tăng trưởng tín dụng đang diễn ra lành mạnh. Tín dụng tăng cao nhưng phải bảo đảm chất lượng tăng trưởng tín dụng, đưa tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo sức lan toả cho nền kinh tế”, ông Minh bày tỏ quan điểm và nhấn mạnh, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư chính là ổn định vĩ mô.

Cũng theo ông Minh, đối với nền kinh tế như Việt Nam cần cân nhắc xu hướng giảm mức tăng trưởng tín dụng để mở rộng các nguồn vốn khác. “Tôi cho rằng, những năm sau nên giảm dần xuống còn 14 - 15%. Không nên nới tín dụng nữa. Tăng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng như vậy có nguy cơ rủi ro cao, khó kiểm soát nợ xấu”, ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Minh, để thúc đẩy doanh nghiệp, nhà đầu tư bỏ tiền mở rộng kinh doanh, sản xuất, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục, pháp lý phải cởi mở, gọn nhẹ. 

Chuyên đề