Tăng trưởng tín dụng thấp: Có gì băn khoăn?

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế cao trong khi tăng trưởng tín dụng được kiềm chế ở mức vừa phải là tín hiệu tích cực về chất lượng tăng trưởng kinh tế và dòng chảy của nguồn vốn. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm hoài nghi đằng sau sự lạc quan này.
Về dài hạn, việc khai thác tốt các nguồn vốn phi ngân hàng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Về dài hạn, việc khai thác tốt các nguồn vốn phi ngân hàng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp không dựa hoàn toàn vào tín dụng

Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm 2018, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 14%, cách biệt đáng kể so với mức định hướng 17% từ đầu năm và thấp hơn hẳn so với con số 18,17% của

năm 2017.

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bên cạnh sự lạc quan về mức tăng trưởng tín dụng thấp, vẫn còn một số ý kiến cho rằng cần đặt dấu hỏi về khả năng huy động vốn của nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao như vậy.

“Năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tín dụng chặt chẽ và linh hoạt. Tuy nhiên, trao đổi với các doanh nghiệp TP.HCM về khả năng vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tiếp cận vốn tín dụng của họ vẫn khá khó khăn. Do đó, không ít doanh nghiệp chấp nhận trả lãi cao hơn ngân hàng để vay từ những kênh cấp vốn phi chính thức”, ông Dương cho biết.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng dành cho xuất khẩu chỉ ở mức 4% trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng 13,2% trong năm qua. “Với mức tăng trưởng tín dụng thấp, khu vực xuất khẩu lấy vốn ở đâu để đạt mức tăng trưởng kim ngạch cao như vậy? Có thể biện hộ là tín dụng vào công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức cao và lĩnh vực xuất khẩu hưởng lợi từ đó, điều này cũng có thể xảy ra. Song nhìn từ khía cạnh khác, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, họ lại không dựa vào tín dụng trong nước mà dựa vào nguồn vốn từ nước ngoài”, ông Dương phân tích và lưu ý: “Cả hai khả năng nêu trên đều cần được xem xét thấu đáo trong thời gian tới để hiểu rõ hơn về dòng tín dụng và hoạt động của các khu vực kinh tế”.

Cũng theo vị trưởng ban này, không thể phủ nhận là chất lượng tăng trưởng tín dụng đã tốt hơn trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục cải thiện trong những năm tới, song cũng cần quan sát kỹ hơn nguồn vốn tín dụng của nền kinh tế. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 ở mức 6,8% và định hướng tăng trưởng tín dụng dưới 14% nếu đạt được sẽ hỗ trợ tốt cho các giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về điều này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, đây là chuyển động khả quan về dòng vốn trên thị trường, đồng thời cho thấy giá trị gia tăng của tăng trưởng đã thiên về việc cải cách từ nguồn cung, gia tăng chất lượng cải cách, nhờ đó, hỗ trợ tốt cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động.

“Vẫn có một số ý kiến đặt câu hỏi là nền kinh tế lấy vốn ở đâu để đạt mức tăng trưởng cao như vậy trong khi cung tín dụng hạn chế? Cần lưu ý, năm 2018, thị trường chứng khoán đã có một số tín hiệu tích cực với khối lượng và giá trị phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp ở mức cao. Về dài hạn, việc khai thác tốt các nguồn vốn phi ngân hàng sẽ có tác động đáng kể giúp nền kinh tế giảm tổn thương nếu có các cú sốc từ bên ngoài”, ông Cung nhấn mạnh. 

Cân nhắc quy mô phát hành trái phiếu chính phủ

Năm 2018, tăng trưởng tín dụng ước đạt khoảng 14%. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng dành cho xuất khẩu chỉ ở mức 4%, trong khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng 13,2% trong năm qua.
Liên quan đến việc điều tiết nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế, một trong các yếu tố được xem xét là nguồn cung trái phiếu chính phủ (TPCP). Số liệu thống kê cho biết, tính chung cả năm 2018, tổng giá trị phát hành TPCP đạt 165,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7% so với năm 2017. Tổng giá trị phát hành năm 2018 vẫn thấp hơn so với kế hoạch, dù mức kế hoạch này đã được điều chỉnh giảm từ 200 nghìn tỷ đồng còn 175 nghìn tỷ đồng vào tháng 10/2018.

Theo Kho bạc Nhà nước, một trong các yếu tố làm giảm khối lượng huy động TPCP so với kế hoạch là do yêu cầu gắn khối lượng phát hành với nhu cầu giải ngân dự án đầu tư. Ở khía cạnh khác, theo đánh giá của CIEM, việc giữ quy mô phát hành TPCP ở mức vừa phải đã hỗ trợ việc điều hành tiền tệ trong bối cảnh giải ngân tín dụng không được nới, qua đó tránh được áp lực đối với thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Ông Dương cho rằng, cần cân nhắc quy mô phát hành TPCP trong thời gian tới để hỗ trợ định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% trong năm 2019. “Nếu TPCP được phát hành ở quy mô lớn thì điều hành chính sách tiền tệ sẽ gặp khó. Do đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để giảm áp lực điều tiết vốn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng”, ông Dương nhấn mạnh.

Chuyên đề