Tăng trưởng tín dụng 2016 đạt mục tiêu

(BĐT) - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), trong bản báo cáo vừa công bố, ước tính tín dụng năm 2016 tăng trưởng 18%. Đây là mức tăng trưởng khá, có thể xem là đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tín dụng tăng phi mã tháng cuối năm

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, số liệu được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra là đến 22/11, tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt 14,03%. Ông Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu kế hoạch từ đầu năm là tăng trưởng tín dụng từ 18 - 20%, nhưng trong bối cảnh cần giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng tín dụng với kiểm soát lạm phát, ổn định và giảm mặt bằng lãi suất thì tăng trưởng cả năm ở mức 17 - 18% cũng là hợp lý và có thể đạt được.

Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, đến 20/12/2016, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,46%. Như vậy, trong gần 1 tháng, từ 22/11 đến 20/12, tín dụng tăng trưởng thêm 2,43%. Từ 20/12 đến hết năm 2016 còn 11 ngày, để đạt kế hoạch khoảng 17 - 18% tín dụng phải thêm 0,54% - 1,54%. Nếu theo dự báo của UBGSTCQG thì tăng trưởng tín dụng năm nay có thể coi là đạt mục tiêu.

Về cơ cấu, tín dụng cho công nghiệp và các hoạt động dịch vụ khác vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tạo điều kiện để tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ liên tục cải thiện. Tín dụng tiêu dùng cũng tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với GDP. Tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.   

Tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng chậm lại. Năm 2016, tín dụng bất động sản ước tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với năm 2015 (28,3%). Tuy nhiên, UBGSTCQG lưu ý, tín dụng tiêu dùng với gần 50% tập trung vào lĩnh vực bất động sản cho thấy hình thái tín dụng bất động sản có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá.

Mức độ tăng tín dụng, theo dự báo của UBGSTCQG, vẫn thấp hơn mức tăng vốn huy động, điều này cũng đã bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Cụ thể, nguồn vốn huy động ước tính đến cuối năm 2016 tăng 19% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 16,1%). Đáng chú ý, huy động theo VND tăng cao, với mức tăng 23% và chiếm tỷ trọng 89,5% tổng vốn huy động. Huy động ngoại tệ giảm mạnh do lãi suất huy động tối đa duy trì ở mức 0%, tỷ giá USD/VND ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. 

Chất lượng tín dụng cải thiện nhẹ

Mặc dù tăng trưởng tín dụng đạt mức khá, nhưng theo UBGSTCQG, chất lượng tín dụng mới chỉ cải thiện nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm nhẹ từ 2,9% (năm 2015) xuống 2,8%. Trong năm 2016, hệ thống TCTD đã xử lý khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho VAMC chiếm 21%.

Nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu lớn. 85% nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý tương đương còn 224 nghìn tỷ đồng nợ xấu còn tồn đọng tại VAMC, chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng.  

Để xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Số dự phòng rủi ro của hệ thống ước tăng khoảng 11,9% so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5,4%).    

Thanh khoản của hệ thống TCTD tuy tương đối ổn định, dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Nhà nước, song theo UBGSTCQG, vẫn tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tăng từ 31,8% (năm 2015) lên 35%. Tỷ lệ này tại một số TCTD cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên đề