Tăng đầu tư, giảm nợ công - bài toán khó giải

(BĐT) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố bức tranh sơ bộ về đầu tư công của Việt Nam. Theo đó, chi đầu tư công trực tiếp từ ngân sách nhà nước đã giảm mạnh, tuy nhiên do nguồn vốn này không được sử dụng tập trung nên nợ đọng trong xây dựng cơ bản đang trở thành bài toán khó giải.
Đầu tư 1 km đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2 lần Ấn Độ, 4 lần Trung Quốc, 6 lần Thái Lan. Ảnh: Đức Thâu
Đầu tư 1 km đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2 lần Ấn Độ, 4 lần Trung Quốc, 6 lần Thái Lan. Ảnh: Đức Thâu

Phân cấp đầu tư, địa phương rải mành mành

Thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư công, tỷ trọng vốn đầu tư do Trung ương quản lý/tổng mức đầu tư đã giảm mạnh, thay vào đó, tỷ trọng vốn đầu tư của địa phương tăng lên.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, đầu tư của Trung ương giảm đã ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án, mục tiêu quan trọng của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh sự phối hợp vùng còn hạn chế. “Tỷ trọng đầu tư ở cấp địa phương cao dẫn tới đầu tư dàn trải vì kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của hầu hết các địa phương đều thiếu, yếu và không đồng bộ nên địa phương có xu hướng đầu tư rải mành mành. Việc đầu tư thiếu tập trung, không có trọng tâm, trọng điểm tất yếu giảm hiệu suất đầu tư, nợ đầu tư xây dựng cơ bản gia tăng” - bà Quyên bình luận và dẫn chứng, hiện có tới 38.000 dự án đầu tư công quy mô vốn tương đối nhỏ, trong đó có tới 30% dự án có tổng mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng.

Do chi tiêu thường xuyên quá lớn, chi trả nợ ngày càng nhiều nên chi đầu tư công trực tiếp từ ngân sách nhà nước giảm mạnh nhưng vốn đầu tư không được tập trung đã khiến nợ nần trong xây dựng cơ bản luôn là bài toán khó giải.

Cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Cao Viết Sinh nhớ lại, cách đây 15 - 17 năm, chi thường xuyên chiếm khoảng 50% tổng chi, 20% dành cho việc trả nợ và 30% dành cho chi đầu tư, nhưng bây giờ chi tiêu thường xuyên đã chiếm khoảng 70% tổng chi, số còn lại dành phần lớn để trả nợ, chi đầu tư từ ngân sách nhà nước không còn được bao nhiêu, nên toàn bộ số tiền đầu tư công hầu như phải đi vay.

“Vấn đề là quan điểm của chúng ta vừa muốn tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, vừa muốn giảm nợ công. Đây là bài toán rất khó giải trong thời gian tới vì vốn đầu tư công đi vay nợ trong nước chiếm tỷ trọng rất lớn. Vay nợ trong nước hầu hết có thời hạn ngắn, lãi suất cao và các khoản vay bắt đầu vào chu kỳ trả nợ” - ông Sinh bày tỏ sự quan ngại.

Quá ưu ái cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Theo so sánh của WB thì đầu tư vào 1 km đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2 lần Ấn Độ, 4 lần Trung Quốc và 6 lần Thái Lan… “Vẫn biết là người Việt có câu “tiền nào của nấy”, nhưng chỉ sợ suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới trong khi chất lượng thì lại không bằng”
Sự bất cập trong đầu tư công không chỉ là đầu tư dàn trải, thiếu tập trung do phân cấp, phân quyền cho địa phương quá lớn, mà còn là cơ cấu đầu tư không hợp lý, tập trung quá nhiều vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và nông nghiệp. Ngay trong lĩnh vực giao thông và nông nghiệp, cơ cấu đầu tư cũng bất hợp lý khi tập trung quá nhiều cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và thủy lợi.

Theo bà Vũ Hoàng Quyên, 79% tổng nguồn vốn đầu tư cho ngành giao thông được tập trung cho đường bộ. Trong chi phí đầu tư cho đường bộ thì chủ yếu tập trung phát triển, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông hiện có mà quên mất việc đầu tư cho duy tu, bảo dưỡng. Hiện chi phí cho duy tu, bảo dưỡng đường bộ của Việt Nam chỉ chiếm 11% tổng chi đầu tư cho lĩnh vực này, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Indonesia (37%), Malaysia (35%), Bangladesh (22%);... và so với các nước trong khu vực OECD là 30%. Việc quá tập trung vào đầu tư mới mà không quan tâm thích đáng đến duy tu, bảo dưỡng, cộng với suất đầu tư cao, theo bà Quyên là một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận tải của Việt Nam cao, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tương tự như vậy, 65% tổng chi đầu tư cho nông nghiệp được dành cho thủy lợi và trong chi đầu tư cho thủy lợi lại quá tập trung vào đầu tư mới, đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng hiện có mà thiếu quan tâm tới khâu bảo trì, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hồ, đập thủy lợi. Bà Quyên cho rằng, đây cũng là nguyên nhân dẫn tới khai thác hệ thống thủy lợi kém hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn yếu.

Chi đầu tư/tổng chi ngân sách hàng năm ngày càng giảm, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng, nếu tính cả vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và tiền thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được dành cho đầu tư thì tổng vốn đầu tư công rất lớn và tăng mạnh hàng năm. Ông Dũng cũng thừa nhận cơ cấu chi đầu tư công hiện nay chưa hợp lý khi tập trung quá nhiều cho hệ thống giao thông đường bộ trong khi chưa quan tâm đầu tư cho đường biển, đường thủy nội địa và đường sắt trong khi vận tải hàng hóa và hành khách sử dụng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa có thể rẻ hơn so với đường bộ.

Theo so sánh của WB thì đầu tư vào 1 km đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2 lần Ấn Độ, 4 lần Trung Quốc và 6 lần Thái Lan… “Vẫn biết là người Việt có câu “tiền nào của nấy”, nhưng chỉ sợ suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới trong khi chất lượng thì lại không bằng”, ông Dũng hoài nghi.

Đánh giá về công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra rằng, do thiếu tổ chức lập quy hoạch các trạm thu phí, cũng như sự phối hợp của các nhà đầu tư chưa tốt, dẫn đến việc đề xuất, phê duyệt các dự án có quy mô không hợp lý, phát sinh nhiều trạm thu phí, một số trạm thu phí có vị trí chưa phù hợp đã gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng còn hạn chế trong việc kiểm soát khối lượng, chất lượng xây dựng, chi phí đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến xác định tổng mức đầu tư ở một số công trình quá cao, làm tăng giá phí và kéo dài thời gian thu phí, gây áp lực lên giá thành sản phẩm và sự chịu đựng của người dân.

Chuyên đề