Tài chính, ngân hàng lấn sân AEC

(BĐT) - Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập đã mở ra sân chơi lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. 
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9,15 triệu USD trong 5 năm tới từ thị trường Lào. Ảnh: Tất Tiên
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9,15 triệu USD trong 5 năm tới từ thị trường Lào. Ảnh: Tất Tiên

Với 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD, kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014, ASEAN được đánh giá có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Các DN Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập vào khu vực kinh tế này, mà tiên phong là các DN thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Nâng cấp hoạt động

Giữa tháng 1/2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chính thức khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Lào với số vốn điều lệ 50 triệu USD. Trước đó, SHB đã khai trương Chi nhánh tại Lào vào năm 2012. Không công bố kết quả kinh doanh cụ thể từ năm 2012 đến nay, nhưng việc mở ngân hàng con với số vốn điều lệ lên đến trên 1.000 tỷ đồng cho thấy SHB đang kỳ vọng vào tiềm năng của thị trường Lào trong thời gian tới.

Theo kế hoạch, SHB dự kiến mở 15 điểm giao dịch, 5 chi nhánh mới, thành lập Sở giao dịch, xây dựng hệ thống nhân sự với 300 cán bộ, nhân viên. Đáng chú ý, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9,15 triệu USD trong 5 năm tới. Ngân hàng này sẽ đẩy mạnh mảng hoạt động ngân hàng bán lẻ và đa dạng hóa sản phẩm, trong đó tập trung vào các đối tượng khách hàng là DN nhỏ và vừa, các DN Việt Nam đầu tư tại Lào, các cá nhân, hộ gia đình.

Trước SHB, nhiều ngân hàng Việt Nam khác đã có hoạt động làm ăn tại Lào, Campuchia như: BIDV, Vietinbank, MB. Bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2012, Chi nhánh VietinBank tại Lào đến cuối năm đã đạt tổng tài sản 41 triệu USD, dư nợ tín dụng hơn 24 triệu USD. Đến hết năm 2014, tổng tài sản của Chi nhánh đạt 114 triệu USD, dư nợ tín dụng hơn 83 triệu USD. Tháng 8/2015, Vietinbank đã khai trương Ngân hàng TNHH Công Thương Việt Nam tại Lào trên cơ sở nâng cấp Chi nhánh đã được thành lập trước đó.

Không chỉ ngân hàng, nhiều công ty bảo hiểm của Việt Nam cũng đã có hoạt động đầu tư vào các nước ASEAN. Tận dụng lợi thế của ngân hàng mẹ hiện diện tại Lào, Campuchia, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIC) đã thâm nhập thị trường này. BIC đã trở thành doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có mạng lưới hoạt động tại 3 nước Đông Dương (với việc thành lập Liên doanh Bảo hiểm Việt - Lào (LVI) tại Lào năm 2008 và Công ty Bảo hiểm Cambodia - Việt Nam (CVI) tại Campuchia năm 2009). Hiện tại, BIC đang gặt hái thành công từ việc đầu tư này. Hai công ty LVI và CVI đang có tốc độ tăng trưởng mạnh và dần khẳng định ví trị tại thị trường hải ngoại.

Không có định chế tài chính “chống lưng”, năm 2010 Công ty CP Bảo hiểm bưu điện - PTI (Việt Nam) đã góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm Lane Xang, Lào (LAP) trên cơ sở hợp tác giữa PTI và Ngân hàng Phát triển Lào (LDB). Từ những bước đi chập chững đầu tiên, hiện tại, Công ty Bảo hiểm Lane Xang đã triển khai mạng lưới bán hàng thông qua 18 chi nhánh và khoảng 40 phòng giao dịch của Ngân hàng Phát triển Lào.

Định hướng trở thành công ty bảo hiểm bán lẻ lớn nhất tại Lào nên LAP hướng tới các khách hàng là những người có tài sản cá nhân đủ lớn. Được biết, mô hình hợp tác thành công giữa PTI và Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) tại Việt Nam đang được nghiên cứu áp dụng đối với Công ty Bảo hiểm Lane Xang, và Tổng công ty Bưu chính Lào (LaoPost). 

Bó hẹp ở các nước Đông Dương

Điều dễ nhận thấy là hoạt động đầu tư sang các nước trong khu vực AEC của DN Việt Nam tập trung chủ yếu các nước Đông Dương. Gần đây, cùng với xu thế mở cửa nền kinh tế Myanmar một số DN như Hoàng Anh Gia Lai, BIDV đã sang đây làm ăn. BIDV là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có văn phòng đại diện và hoạt động tại thị trường Myanmar, cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên theo đuổi kế hoạch thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại thị trường này.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến hết 10 tháng đầu năm 2015, thị trường đầu tư ra nước ngoài vẫn tập trung nhiều tại một số thị trường truyền thống như Lào (9 dự án cấp mới, 9 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 126 triệu USD), Campuchia (có 11 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 194 triệu USD).

Giải thích về việc Việt Nam mới chỉ đầu tư tập trung vào các nước Đông Dương, các nhà phân tích cho rằng, do điều kiện địa lý và mức độ phát triển dịch vụ tài chính còn hạn chế hơn so với Việt Nam nên các DN ngân hàng, bảo hiểm tràn sang chiếm thị phần. Mặt khác, nhiều DN Việt Nam là tổng công ty, tập đoàn lớn như cao su, khoáng sản, điện, viễn thông… sang các nước này làm ăn nên ngân hàng Việt sang để cung cấp các dịch vụ.

Bên cạnh dịch vụ tài chính, ngân hàng, các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, khai khoáng, thủy điện, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như công nghệ thông tin, truyền thông, viễn thông, bất động sản… Tuy nhiên để mở rộng phạm vi và lĩnh vực hoạt động trong không gian AEC, các DN Việt Nam còn nhiều việc phải làm trong đó có nâng cao năng lực cạnh tranh. Sự tiên phong của các ngân hàng, công ty bảo hiểm Việt Nam mà khởi đầu từ quy mô rất khiêm tốn là kinh nghiệm quý cho DN đang lên kế hoạch đầu tư vào AEC.

Chuyên đề