Sửa luật để xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh

Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đều thống nhất cho rằng, việc sửa đổi luật nhằm xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trong phiên làm việc chiều 22/5.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp.

Theo nội dung Tờ trình, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, đến nay việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu lớn; tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại. Bên cạnh đó, việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Tờ trình chỉ rõ, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng là cơ chế, chính sách về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời.

“Việc ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn”, tờ trình của Chính phủ viết.

Dự thảo Luật được xây dựng gồm 5 điều, trong đó sửa đổi 20 điều, bổ sung 26 điều và bãi bỏ 1 điểm của Luật Các tổ chức tín dụng.

Cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn 2016-2020, thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng lành mạnh về tài chính, quản trị theo thông lệ quốc tế, tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng và là kênh huy động vốn hiệu quả cho phát triển kinh tế nói chung.

“Dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, cách thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống”, báo cáo thẩm tra khẳng định.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng với Hiến pháp và các luật có liên quan nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chuyên đề