“So găng” lợi nhuận 2 sở giao dịch chứng khoán

(BĐT) - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) là 2 trung tâm giao dịch chứng khoán của cả nước, là “đầu mối” để hàng loạt công ty đại chúng tiếp xúc với nhà đầu tư, là nơi các câu chuyện đầy cảm xúc về thị trường chứng khoán được viết lên suốt hơn 15 năm qua. 
Doanh thu của HSX và HNX chủ yếu đến từ các nguồn thu phí giao dịch chứng khoán. Ảnh: Đinh Tuấn
Doanh thu của HSX và HNX chủ yếu đến từ các nguồn thu phí giao dịch chứng khoán. Ảnh: Đinh Tuấn

Một thông tin khiến người ta khá tò mò là tình hình hoạt động của 2 đơn vị này như thế nào. Cả 2 đơn vị đều là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.

HSX ra đời cùng lúc với thị trường chứng khoán Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ năm 2000. Doanh thu của HSX đến từ các nguồn thu phí giao dịch chứng khoán (chủ yếu), cung cấp dịch vụ, phí sử dụng thiết bị đầu cuối, phí niêm yết và các nghiệp vụ khác. 6 tháng đầu năm 2016, HSX đạt 199 tỷ đồng doanh thu, trong đó 167 tỷ đồng đến từ phí giao dịch chứng khoán. Là doanh nghiệp có hoạt động đặc thù, biên lợi nhuận của HSX ở con số đáng mơ ước. Cụ thể, với gần 200 tỷ đồng doanh thu, HSX lãi trước thuế tới 100 tỷ đồng, biên lợi nhuận trước thuế đạt 50%. 6 tháng đầu năm, đơn vị này lãi sau thuế 80,4 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng lưu ý, tính đến cuối quý II năm nay, HSX có số dư tiền gửi ngân hàng là 1.038 tỷ đồng. Nghìn tỷ tiền gửi đã duy trì khá ổn định từ đầu năm đến nay, giúp đơn vị thu trên 3,4 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù ra đời sớm hơn, nổi tiếng hơn với việc quản lý hầu như toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết lớn của cả nước, hiệu quả kinh doanh của HSX lại có phần lép vế so với đồng nghiệp ở Thủ đô
Vốn điều lệ của HSX đạt 951,5 tỷ đồng, giữ nguyên so với đầu năm. Tổng tài sản cuối quý II/2016 đạt 1.867 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm 2016. HSX hoàn toàn không vay nợ ngắn hay dài hạn. Khoản phải trả đáng kể nhất của đơn vị là phải trả cho các tổ chức phát hành, đạt 397 tỷ đồng tính đến cuối quý II năm nay. Ngoài ra, đơn vị vẫn “nợ” ngân sách nhà nước 146,5 tỷ đồng, là khoản lợi nhuận phải nộp.

Ra đời sau 9 năm, HNX có quy mô thua kém một chút so với HSX cả về vốn điều lệ lẫn tổng tài sản. Đơn vị có vốn điều lệ 746,5 tỷ đồng và tổng tài sản 1.385 tỷ đồng tính đến cuối quý II năm 2016.

Cũng giống HSX, HNX hoàn toàn không vay nợ, cơ cấu tài sản/nguồn vốn tương đối đơn giản. Không chịu thua kém, tính đến cuối quý II năm nay, HNX có số dư tiền gửi ngân hàng 1.024 tỷ đồng. Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm của HNX đạt 29,7 tỷ đồng, trong đó 29 tỷ đồng là lãi tiền gửi dự thu. Hiệu quả tiền gửi của HNX có vẻ vượt trội so với đồng nghiệp phía Nam của mình.

Về hiệu quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm HNX đạt 218 tỷ đồng doanh thu, chủ yếu đến từ phí giao dịch chứng khoán (140 tỷ đồng) và phí đấu thầu, đấu giá (58 tỷ đồng). Kết quả nửa đầu năm 2016 HNX lãi trước thuế 116 tỷ đồng, vượt 15 tỷ đồng so với HSX. Lãi sau thuế 92,5 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, kết quả của HNX tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Như vậy, mặc dù ra đời sớm hơn, nổi tiếng hơn với việc quản lý hầu như toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết lớn của cả nước, hiệu quả kinh doanh của HSX lại có phần lép vế so với đồng nghiệp ở Thủ đô.

Được biết, năm 2015, thu nhập bình quân của người lao động HSX đạt 21 triệu đồng/tháng trong khi ở HNX con số tương ứng là 21,9 triệu đồng/tháng.

Chuyên đề