Siêu dự án 19.000 tỷ đồng và sự thoái lui của PVN

(BĐT) - Ngày 16/1/2017, Công ty CP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (PAP) đã tổ chức thành công cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 với sự tham gia của 15 cổ đông và đại diện cổ đông nắm giữ 88,6 triệu CP (tương đương 98,46% CP có quyền biểu quyết).
Cảng Phước An vừa quyết định nâng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Tuấn
Cảng Phước An vừa quyết định nâng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Đinh Tuấn

ĐHĐCĐ đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 với lợi nhuận trước thuế đạt 1,6 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp có quy mô vốn 900 tỷ đồng, đây là một kết quả cực kỳ khiêm tốn.

Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, 9 tháng đầu năm 2016, PAP lỗ ròng 187 triệu đồng. Như vậy, kết quả có được của năm 2016 của Công ty hoàn toàn được thực hiện trong quý cuối cùng của năm. 

PVN “nhường sân” cho Tập đoàn Hoành Sơn

Kết quả kinh doanh năm 2016 của PAP thực ra đã tương đối “khá khẩm” so với trước đó. Trong 2 năm 2014, 2015, Công ty liên tục thua lỗ, lần lượt 11 tỷ đồng và 11,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế của PAP tính đến cuối quý III/2016 là 30,7 tỷ đồng.

Từ 9/7/2016, Tập đoàn Hoành Sơn thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã chính thức sở hữu CP chi phối Cảng Phước An sau khi bỏ ra 460 tỷ đồng mua toàn bộ 46 triệu CP Cảng Phước An phát hành. Với việc phát hành thêm này, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã bị pha loãng CP, tỷ lệ sở hữu tại Cảng Phước An giảm từ 79,58% xuống còn 38,89%, vốn điều lệ Cảng Phước An tăng từ mức 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng.

Cũng với động thái này, phiên họp ĐHĐCĐ bất thường do Cảng Phước An tổ chức đầu tháng 10/2016 đã thông qua việc bác bỏ quy định trong điều lệ về chức danh Tổng giám đốc, Kế toán trưởng do PVN đề cử và nắm giữ. Ngoài ra, ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoành Sơn cũng đã trúng cử ghế Chủ tịch HĐQT Cảng Phước An. Ngoài ông Sơn, 2 thành viên khác của HĐQT cũng là đại diện của Hoành Sơn. Việc thâu tóm và chi phối của Hoành Sơn tại Cảng Phước An ngày càng rõ nét.

ĐHĐCĐ thường niên 2017 của Cảng Phước An cũng vừa tiếp tục thông qua việc phát hành riêng lẻ 20 triệu CP cho Hoành Sơn để nâng vốn điều lệ Công ty từ 900 tỷ đồng lên mức 1.100 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm chào bán thích hợp, chủ động đàm phán với (các) nhà đầu tư về giá và khối lượng chào bán. Tuy nhiên, với việc người đứng đầu HĐQT Công ty là người của Hoành Sơn, và đối tác chiến lược cũng là Hoành Sơn, việc đàm phán về giá và khối lượng dường như chỉ mang tính hình thức.

Được biết, phương án tăng vốn của Công ty nhằm bảo đảm vốn đối ứng triển khai đồng bộ giữa đầu tư xây dựng Phân kỳ 1 Dự án Cảng Phước An và đầu tư xây dựng đoạn 2 tuyến đường vào Cảng cũng như bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng phương án tăng vốn này cần được Bộ Công Thương chấp thuận.

Tham vọng đầu tư nghìn tỷ

Trong năm 2017, kế hoạch đầu tư dự kiến của Cảng Phước An ở vào khoảng 1.484 tỷ đồng, trong đó chỉ có 445 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, 1.039 tỷ đồng còn lại là vốn vay.
Kết quả kinh doanh èo uột, Hoành Sơn vẫn không ngừng rót vốn vào Cảng Phước An. Nếu kế hoạch phát hành thêm 20 triệu CP thành công, Tập đoàn này sẽ nắm giữ 61,8% CP của PAP trong khi PVN giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 31,82%. Điều mà Hoành Sơn nhắm vào không gì khác là các dự án trị giá trăm, nghìn tỷ mà Cảng Phước An sẽ triển khai trong thời gian tới.

Trong tờ trình chào bán CP cho Hoành Sơn lần đầu, Tập đoàn này được mô tả là đã và đang đầu tư một số dự án tên tuổi như Dự án Cảng biển quốc tế tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh; Dự án Cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng; Dự án Phân lân NPK tại Vũng Áng. Hoành Sơn cũng được biết đến khi vượt qua nhiều đối thủ để được lựa chọn làm đối tác chiến lược cùng triển khai tổ hợp Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Văn phòng - Căn hộ cao cấp tại khu đất vàng “Cao-xà-lá” 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội.

Cảng Phước An dự kiến đầu tư 3 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới 3.175 tỷ đồng. Trong đó Phân kỳ 1 Dự án Cảng Phước An sẽ “ngốn” khoảng 1.589 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn đầu tư Dự án Tuyến đường vào Cảng theo hình thức BOT và bồi thường giải phóng mặt bằng lần lượt đạt 942 tỷ đồng và 644 tỷ đồng.

Trong năm 2017, kế hoạch đầu tư dự kiến của Cảng Phước An ở vào khoảng 1.484 tỷ đồng, trong đó chỉ có 445 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, 1.039 tỷ đồng còn lại là vốn vay. Việc triển khai các dự án của Cảng Phước An sẽ nhanh chóng thay đổi cấu trúc tài chính của Công ty. Tính đến cuối quý III/2016, Công ty hoàn toàn không vay nợ, số dư nợ phải trả cũng chỉ ở mức 18 tỷ đồng, tương đương 2% giá trị tổng tài sản tại cùng thời điểm.

Năm 2017, theo kế hoạch, tình hình kinh doanh của Cảng Phước An vẫn chưa có gì khả quan. Doanh thu và lợi nhuận dự kiến của Công ty dự kiến lần lượt ở mức 34,27 tỷ đồng và 740 triệu đồng.

Dự án Cảng Phước An là một dự án đầy tham vọng của PAP. Toàn bộ dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 19.000 tỷ đồng. Cảng này nằm ở thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2009, tuy nhiên gặp khó khăn khi đầu tư tuyến đường vào Cảng. Tháng 10 năm ngoái, UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép triển khai tuyến đường theo hình thức BOT như vừa đề cập ở trên. UBND Tỉnh cũng đồng ý hỗ trợ Cảng Phước An một phần kinh phí được trích từ ngân sách của Tỉnh.

Chuyên đề