Sẽ phạt doanh nghiệp nợ thuế thay cho bảo lãnh ngân hàng

(BĐT) - Yêu cầu doanh nghiệp (DN) nợ thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được cơ quan thuế xem xét cho phép phân kỳ trả nợ là nguyên nhân khiến chính sách cho phép DN được nộp dần tiền nợ thuế hầu như không có tác dụng.
Số tiền nợ thuế năm 2015 vẫn còn tới gần 70.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Số tiền nợ thuế năm 2015 vẫn còn tới gần 70.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Phân kỳ trả nợ không có tác dụng

Tính đến tháng 3/2016, cơ quan thuế trên cả nước đã thu hồi được 10.850 tỷ đồng trong tổng số 69.963 tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển qua. Còn năm 2015, theo ông Trần Văn Phu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã thu được 39.102 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng hơn 27% so với năm 2014 và tăng khoảng 3% so với chỉ tiêu đặt ra, khiến tổng số nợ thuế tính đến đầu năm 2016 giảm hơn 10% so với đầu năm 2015. “Có được kết quả này là do toàn ngành đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ thuế, đặc biệt là việc công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tăng cường việc quản lý thu hồi nợ thuế, bảo đảm thu hồi kịp thời số nợ thuế vào ngân sách nhà nước”, ông Phu cho biết.

Không thể phủ nhận nỗ lực của ngành thuế trong việc thu hồi nợ đọng, nhưng tổng số tiền nợ thuế năm 2015 vẫn còn tới 69.963 tỷ đồng, chiếm hơn 10% số thu nội địa (không kể dầu thô) thì có thể nói công tác thu nợ thuế chưa thực sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân khiến việc thu nợ thuế chưa thực sự hiệu quả, theo lãnh đạo nhiều cơ quan thuế địa phương là do giải pháp phân kỳ trả nợ bằng cách cho phép doanh nghiệp (DN) được trả dần tiền nợ thuế trong vòng 12 tháng không có tác dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, yêu cầu DN nợ thuế phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng mới được cơ quan thuế xem xét cho phép phân kỳ trả nợ khiến giải pháp này không hiệu quả. “Tôi đã trực tiếp làm việc với nhiều ngân hàng trên địa bàn, họ nói thẳng không dại gì đứng ra bảo lãnh cho DN đang nợ thuế trả dần tiền thuế cho Nhà nước”, ông Hải cho biết.

Quốc hội cân nhắc việc trả lãi cho người nộp thuế trong trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế trong thực thi công vụ
Cũng như lãnh đạo nhiều cơ quan thuế địa phương, ông Hải khẳng định, với những DN đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình thường không ai muốn nợ tiền thuế. Vì thế, nếu cơ quan thuế cứ hành xử theo nguyên tắc trong quản lý nợ thì DN đang đứng trên bờ vực giải thể, đóng cửa, phá sản sẽ buộc phải đóng cửa ngay tức khắc. Khi đó, tiền nợ cũng không thu được, nguồn thu thuế cũng bị giảm.

“Ở Bắc Ninh có DN đã từng đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm cũng như đóng góp vào chính sách an sinh xã hội của địa phương. Vài năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, mặc dù vậy họ cũng đã rất cố gắng nộp 210 tỷ đồng tiền thuế, chỉ còn nợ 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, không ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh cho họ được trả dần tiền thuế. Trong trường hợp này, nếu cưỡng chế thuế đúng luật thì DN có thể sẽ giải tán ngay, Nhà nước thất thu, hàng trăm người lao động thất nghiệp”, ông Hải lấy ví dụ.

TP.HCM là một trong những địa phương có số nợ thuế lớn nhất cả nước, năm 2015, địa phương này đã thu được 23.428 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng bằng nhiều giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Tâm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM thừa nhận, nợ thuế vẫn tiếp tục gia tăng do rất nhiều DN buộc phải bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh vì không thể trả nợ được tiền thuế “một cục” và không được ngân hàng nào đứng ra bảo lãnh. Nếu cho phép DN được phân kỳ trả nợ bằng giải pháp thông thoáng thì sẽ có nhiều DN vẫn “bám trụ” tại địa điểm đăng ký kinh doanh, vượt qua khó khăn, trả nợ thuế và tiếp tục đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Tiền nợ thuế coi như tiền Nhà nước cho vay

Theo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp này thì DN nợ thuế sẽ bị phạt theo mức 0,04%/ngày. Điều này khiến đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ hết sức ngạc nhiên vì khi cho ý kiến vào Dự thảo luật này tại Kỳ họp thứ 10, rất nhiều đại biểu đã đề xuất chỉ nên áp mức phạt 0,03%/ngày (hiện tại là 0,05%/ngày). “Mức phạt nợ thuế quá cao trong khi giải pháp phân kỳ trả nợ hầu như không có tác dụng sẽ khiến nhiều DN rơi vào hoàn cảnh khó khăn”, ông Vẻ lo ngại.

Ông Vẻ cũng thắc mắc, tại Kỳ họp thứ 10, không ít đại biểu đã nêu ý kiến về việc đồng thời với quy định phạt chậm nộp tiền thuế phải tính lãi trả DN trong trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế cho DN, nhưng bản Dự thảo trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này không tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. “Quốc hội cân nhắc việc trả lãi cho người nộp thuế trong trường hợp thu thừa thuế hoặc chậm hoàn thuế nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế trong thực thi công vụ”, ông Vẻ đề xuất.

“Tôi đề nghị chỉ nên áp mức phạt chậm nộp thuế là 0,03%/ngày, tương đương 10,68%/năm. Mức này là phù hợp nếu mình coi tiền nợ thuế là tiền Nhà nước cho DN vay còn DN phải trả lãi với lãi suất 0,03%/ngày; 1,5%/tháng. Tất nhiên mức phạt chậm nộp này chỉ áp dụng với DN thực sự khó khăn, được cơ quan thuế gia hạn thời gian trả nợ, phân kỳ trả nợ, chứ không áp dụng với DN cố tình chây ì, nợ đọng”, TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm.

Chuyên đề