SCIC thoái vốn thu về 6,4 tỷ đồng trong tháng đầu năm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, trong tháng 01/2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp khác với giá trị sổ sách 6 tỷ đồng, thu về 6,4 tỷ đồng.
SCIC thoái vốn thu về 6,4 tỷ đồng trong tháng đầu năm

Về cổ phần hóa, trong tháng 01/2017 cả nước chưa thực hiện sắp xếp được doanh nghiệp nào.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, năm 2016, cả nước đã cổ phần hóa 52 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải; Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Nam và 17 địa phương. Ngoài ra, đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 12 doanh nghiệp, gồm giải thể 10 doanh nghiệp, phá sản 1 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp.

Năm 2017 dự kiến có 11 văn bản quy phạm pháp luật, Đề án thuộc lĩnh vực sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tháng 01/2017 duy nhất có Bộ Tài chính đã trình 1 văn bản là Nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP của Chính phủ).
Cũng theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp của 46/49 bộ, địa phương, bao gồm 244 doanh nghiệp.

Trong đó, Nhà nước giữ 100% vốn để sản xuất, kinh doanh 14 công ty; Nhà nước giữ 100% vốn để thực hiện nhiệm vụ công ích 59 công ty; cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ 59 công ty và dưới 50% vốn điều lệ 42 công ty; chuyển thành công ty TNHH hai thành viên 37 công ty; chuyển thành Ban quản lý rừng phòng hộ 5 công ty; giải thể 28 công ty.

Hiện tại, trong số 49 đơn vị có công ty nông, lâm trường cần phải sắp xếp, chỉ còn 1 địa phương là Cần Thơ đã có phương án được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định nhưng chưa hoàn thiện phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo phương án sắp xếp tổng thể của các đơn vị đã được thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp thuộc các đơn vị này quản lý là 2.383.611,87 ha (tổng diện tích đất của tất cả các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý khoảng 2.389.812,70 ha).

Trong đó, tiếp tục giữ lại để sản xuất kinh doanh là 1.938.337,80 ha; giao về địa phương quản lý là: 452.055,37 ha.

Chuyên đề