SCIC chưa phát huy được vai trò kinh doanh vốn nhà nước

(BĐT) - Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, sử dụng hiệu quả tài sản vốn của Nhà nước; tăng cường áp dụng quản trị doanh nghiệp (DN); xử lý dứt điểm những tồn tại của DN mà SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với SCIC diễn ra mới đây. 

Cần tập trung đầu tư lĩnh vực then chốt

Báo cáo của SCIC cho thấy, trong hơn 10 năm qua, hoạt động đầu tư, kinh doanh của SCIC đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu luôn đạt mức cao so với mức bình quân chung của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm là 56% (tăng 55 lần so với năm 2006), vốn chủ sở hữu tăng bình quân 31%/năm, tổng tài sản tăng bình quân 36%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân đạt 56%/năm, nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân 99%/năm...

SCIC đã bước đầu triển khai thành công hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đã giải ngân tới thời điểm hiện nay là trên 24.336 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, gắn với thị trường và đạt hiệu quả khá cao. Đặc biệt, trong 2 năm qua, SCIC đã giải ngân đầu tư gần 8.500 tỷ đồng (chiếm hơn 30% tổng số vốn đã giải ngân trong 10 năm qua) khi thực hiện Đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, theo SCIC, số lượng DN bán vốn theo Đề án Tái cơ cấu mới chỉ đạt 71% mục tiêu đề ra do 80 DN quy mô nhỏ kinh doanh nhiều năm liền thua lỗ, đang tiến hành phá sản hoặc thuộc diện giám sát đặc biệt, không có nhà đầu tư quan tâm nên khó bán; một số DN đã triển khai bán vốn nhiều lần nhưng không thành công.

Phát biểu tại Buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong hoạt động của SCIC là vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua vai trò người đại diện không rõ ràng; tiến độ chuyển giao vốn còn chậm; chưa thực hiện tái cơ cấu hay đầu tư thêm vốn để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh; chưa thực hiện tốt vai trò tổ chức đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Thời gian tới, Bộ Tài chính cần phối hợp với SCIC tiếp tục rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2016 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, làm cơ sở đẩy mạnh thực hiện Đề tài Tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước tại DN. Đối với hoạt động đầu tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu SCIC tập trung đầu tư vào các lĩnh vực then chốt, có trọng tâm trọng điểm, nhất là những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không quan tâm hoặc không đủ năng lực đầu tư; những ngành mới có tính chất chiến lược quốc gia như sản phẩm khoa học công nghệ mới mà nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam đã làm chủ hay khởi nghiệp thành công nhưng cần vốn đầu tư ban đầu lớn.

Thoái vốn, đấu giá cần chuyên nghiệp hơn

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu SCIC cần chủ động, linh hoạt lựa chọn thời điểm thích hợp thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đạt lợi ích cao nhất, phù hợp với mục tiêu định hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn của Tổng công ty.
Theo đánh giá của Ban lãnh đạo SCIC, một trong những thành công nổi bật của đơn vị thời gian qua là đã triển khai được hoạt động đấu giá trọn lô. Tuy nhiên, nhiều đại diện bộ, ngành đã có phản biện về vấn đề này. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, việc bán theo lô lớn sẽ hạn chế nhà đầu tư tham gia vì nhà đầu tư phải có nhiều tiền thì mới có thể mua “trọn gói” theo lô lớn được.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc bán theo lô lớn cũng cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, giống như việc đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu. Nếu đấu thầu tốt thì nên đấu thầu để công khai, minh bạch tài sản nhà nước, tránh được quân xanh quân đỏ và quan trọng nhất vẫn là hiệu quả và không cản trở sự phát triển của DN.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, hoạt động thoái vốn, đấu giá của SCIC cần phải chuyên nghiệp hơn. Việc đấu giá trọn lô của SCIC là tốt nhưng vì sao dư luận vẫn đặt dấu hỏi về khả năng thất thoát vốn nhà nước ở khâu này? Thông lệ quốc tế khi tiến hành cổ phần hóa vẫn là chọn nhà đầu tư chiến lược nhưng điều quan trọng là phải gắn cổ phần hóa với niêm yết, bởi chỉ có lên sàn giao dịch thì mới có thể minh bạch được tài sản.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu thì cho rằng, việc quản trị của SCIC dù chưa tốt nhưng hiện đã khá hơn. Đối với việc bán cổ phần, SCIC cần phải lựa chọn thời điểm bán để thu về lợi ích lớn nhất, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá.

Về chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước đang hoạt động hiệu quả, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu SCIC cần chủ động, linh hoạt lựa chọn thời điểm thích hợp thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đạt lợi ích cao nhất, phù hợp với mục tiêu định hướng hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn của Tổng công ty. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng mong SCIC sẽ nỗ lực vươn lên, trở thành tập đoàn tài chính có quy mô lớn, nhà đầu tư chiến lược của Nhà nước đối với nền kinh tế, thúc đẩy có hiệu quả quá trình tái cơ cấu DNNN, nâng cao hiệu quả nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Chuyên đề