Quy định 2 trường hợp được gia hạn của trái phiếu đặc biệt

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
VAMC có thể thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập để xác định giá khởi điểm đối với việc bán nợ xấu đã mua. Ảnh: Tiên Giang
VAMC có thể thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập để xác định giá khởi điểm đối với việc bán nợ xấu đã mua. Ảnh: Tiên Giang

Theo đó, Thông tư 08 bổ sung quy định về gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt, trong đó nêu rõ 2 trường hợp được gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Thứ nhất là, tổ chức tín dụng (TCTD) đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai là, TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC đã phát hành dẫn đến chênh lệch thu chi trước thuế dự kiến của năm được đề nghị gia hạn trái phiếu đặc biệt bị âm.

Thông tư 08 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua với quy định VAMC được xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng vay.

Đối với việc bán nợ xấu đã mua, VAMC tự thực hiện hoặc thuê tổ chức có chức năng định giá độc lập xác định giá khởi điểm (trong trường hợp bán đấu giá), giá chào bán (trong trường hợp chào giá cạnh tranh), giá dự kiến bán nợ (trong trường hợp thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ). Trường hợp xét thấy cần thiết, VAMC tham khảo giá mua, bán các khoản nợ xấu có tính chất tương đồng trên thị trường để xác định giá khởi điểm, giá chào bán, giá dự kiến bán nợ.

Thông tư 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2016.          

Chuyên đề