Quốc hội nóng chuyện hoàn thuế

(BĐT) - Câu chuyện hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhiều khả năng sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích, mổ xẻ trước khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế tại Kỳ họp thứ 11 khai mạc vào đầu tuần tới.
Ngành thuế đã dành ra 17.000 tỷ đồng để hoàn thuế GTGT cho hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: LTT
Ngành thuế đã dành ra 17.000 tỷ đồng để hoàn thuế GTGT cho hàng hóa xuất khẩu. Ảnh: LTT

Ngành thuế cũng sốt ruột

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, trong 2 tháng đầu năm, tổng số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu chỉ đạt 31.200 tỷ đồng, bằng 11,6% dự toán và giảm tới 17,6% so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù số thu từ xuất, nhập khẩu giảm mạnh, nhưng 2 tháng đầu năm nay vẫn dành ra 17.000 tỷ đồng để hoàn thuế GTGT cho hàng hóa xuất khẩu, nên tổng số thu từ xuất, nhập khẩu chỉ còn 14.200 tỷ đồng, đạt 8,3% dự toán và giảm 24,4% so với 2 tháng đầu năm 2015. Số liệu này cho thấy, ngành tài chính đã hết sức nỗ lực trong việc hoàn thuế, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp (DN) và bản thân cơ quan chịu trách nhiệm hoàn thuế - ngành thuế.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Văn Hải lo lắng, tình trạng hoàn thuế GTGT chậm, nếu không sớm cải thiện sẽ bị Ngân hàng Thế giới “trừ điểm” khi xếp hạng môi trường cạnh tranh của Việt Nam.

Đồng Nai là một trong số địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất cả nước, lo ngại sức hút vốn đầu tư nước ngoài bị giảm. Ông Nguyễn Văn Công, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai cho biết, cơ quan thuế địa phương này hết sức linh động trong việc xử lý hồ sơ hoàn thuế. “Số tiền trong quỹ hoàn thuế GTGT có hạn nên cơ quan thuế phải chia nhỏ ra làm nhiều phần để bảo đảm DN nào cũng được hoàn thuế. Sự linh động này tuy công bằng, nhưng lại không đúng quy định nên bị một số DN phản ứng, đặc biệt là DN Nhật Bản và Hàn Quốc, do DN đến từ 2 quốc gia này chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm, được hoàn thuế GTGT rất lớn”, ông Công cho biết và đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cấp đủ nguồn để hoàn thuế kịp thời cho DN.

Cùng chung quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Ân đề nghị phải luật hóa rõ ràng trường hợp nào được hoàn thuế, trường hợp nào không được hoàn thuế và trường hợp nào được bù trừ số thuế GTGT mà DN được hoàn với số thuế khác mà DN phải nộp trong kỳ cũng như phải chuyển sang kỳ sau để khấu trừ tiếp.

Khoáng sản xuất khẩu hoàn thuế không dễ

Việc hoàn thuế chậm, theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn có một phần lỗi do cơ quan thuế, phần còn lại là do cơ chế, chính sách quy định về hoàn thuế GTGT hiện nay chưa rõ ràng, thiếu minh bạch, trong đó, hoàn thuế GTGT đối với khoáng sản xuất khẩu là minh chứng rõ nhất.

Theo Luật Thuế GTGT hiện hành, sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến là đối tượng không chịu thuế GTGT, tức là khi xuất khẩu không được hoàn thuế. “Nhưng thế nào là sơ chế, thế nào là đã qua chế biến, chế biến với tỷ lệ nào thì được hoàn, tỷ lệ nào thì không được hoàn, cần phải rõ ràng, minh bạch thì việc hoàn thuế mới giải quyết nhanh được, vì cơ quan thuế và DN không mất thời gian tranh luận có được hoàn thuế hay không”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11 tới đây thì “sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác và sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” được xếp vào đối tượng không chịu thuế GTGT, tức là không được hoàn thuế khi xuất khẩu.

Ông Đặng Thế Vinh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đồng tình với với chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên khoáng sản dưới dạng thô và khuyến khích chế biến sâu ở trong nước bằng cách không hoàn thuế GTGT đối với tài nguyên, khoáng sản chưa qua chế biến. Nhưng ông Vinh vẫn băn khoăn về căn cứ xác định hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Nếu không xác định rõ ràng, minh bạch thì câu chuyện khiếu nại, khiếu kiện giữa DN với cơ quan thuế trong việc có hoàn thuế GTGT hay không vẫn chưa thể có hồi kết và thời gian hoàn thuế có thể sẽ vẫn kéo dài.

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 33557/BTC-TCT hướng dẫn quản lý chi hoàn thuế GTGT. Tại công văn này, Bộ Tài chính yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế chịu trách nhiệm về Quyết định hoàn thuế và tổ chức thực hiện việc giải quyết hoàn thuế theo đúng trách nhiệm, thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều 58 Thông tư 156/2013/TT-BTC và Quy trình hoàn thuế của Tổng cục Thuế.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu, Cục Thuế phải cập nhật đầy đủ tờ khai thuế, hồ sơ đề nghị hoàn thuế và các thông tin liên quan đến quá trình giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế, đồng thời gửi Danh sách đề nghị phê duyệt Quyết định hoàn thuế GTGT về Tổng cục Thuế.

Chuyên đề