PVV gom tiền cho dự án bất động sản?

(BĐT) - Hàng loạt nghị quyết thoái vốn, chuyển nhượng dự án tại các công ty con, công ty liên kết được ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (PVV) ban hành trong thời điểm cuối năm 2016 và đầu năm 2017.
Doanh thu cả năm 2016 của PVV chỉ đạt 180,71 tỷ đồng - mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Ảnh: Phạm Đức Hạnh
Doanh thu cả năm 2016 của PVV chỉ đạt 180,71 tỷ đồng - mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay. Ảnh: Phạm Đức Hạnh

Kinh doanh xuống dốc

Cả năm 2016, doanh thu của PVV chỉ đạt 180,71 tỷ đồng - mức thấp nhất từ năm 2010 đến nay, không những giảm 58% so với năm 2015 mà chỉ mới thực hiện 41% kế hoạch năm 2016. Lỗ ròng ghi nhận trong năm 2016 gần 35 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2016 âm hơn 260 tỷ đồng.

Nguyên nhân sâu xa của kết quả kinh doanh bết bát này là việc sụt giảm mạnh nguồn thu từ 2 mảng kinh doanh chính. Đối với mảng xây lắp, nhiều hợp đồng thi công xây lắp như Khách sạn Lam Kinh, công trình 24 căn biệt thự Nghi Sơn - Thanh Hóa, công trình đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình, công trình Quốc lộ 3 bị chậm tiến độ hoặc dừng thi công đã khiến cho nguồn thu từ hoạt động này chỉ đạt 37,35 tỷ đồng, giảm khoảng 65% so với năm 2015. Doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản trong năm cũng chỉ ghi nhận ở mức khiêm tốn là 91,34 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Bên cạnh đó, việc luôn duy trì hệ số sử dụng nợ cao là nguyên nhân chính khiến cho tình hình tài chính của PVV trở nên trầm trọng hơn. Tại thời điểm 30/12/2016, các khoản phải trả của PVV là 1.122 tỷ đồng, chiếm 87% cơ cấu tài sản. Chi phí lãi vay trong năm PVV phải trả là gần 32 tỷ đồng, con số khá cao so với quy mô hoạt động của doanh nghiệp này.

Giữa bối cảnh tình hình kinh doanh ngày một đi xuống, trong năm 2016, Công ty còn phải chịu một cú sốc lớn là việc Chủ tịch HĐQT Trương Quốc Dũng bị bắt tạm giam chờ khởi tố vì những sai phạm khi còn làm việc tại Tổng công ty Xây dựng dầu khí. 

Dồn sức cho dự án chung cư

Với tình trạng tài chính như hiện tại, PVV khó có thể tiếp cận được dòng vốn từ phía ngân hàng. Có lẽ đây chính là nguyên nhân của việc ban lãnh đạo Công ty liên tục công bố các nghị quyết thoái vốn khỏi hàng loạt công ty con, tìm kiếm các đối tác để chuyển nhượng các dự án đang liên kết trong hai tháng gần đây.

Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và năm 2016, tại thời điểm 31/12/2016, PVV có khoảng 220 tỷ đồng khoản đầu tư tài chính dài hạn, trong đó có 91,6 tỷ đồng là khoản ủy thác vốn vào Công ty CP Đầu tư khoáng sản Bắc Trung Bộ theo Hợp đồng ủy thác số 3010/2013/UTQLV/FIT ngày 30/10/2013 với mức lợi tức ủy thác 7,5%/năm. Về cơ bản, PVV chỉ có khoảng 128,4 tỷ đồng đầu tư vào công ty con.

Theo thông tin phóng viên thu thập được, tính đến thời điểm hiện tại PVV đã gần như hoàn thiện các thủ tục chuyển nhượng các phần vốn tại 5 doanh nghiệp (Công ty CP Khai thác đá Thừa Thiên Huế, Công ty CP Xuất nhập khẩu Đông Thành, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và BĐS Rồng Việt, Công ty TNHH Giáo dục Waldorf Hà Nội) dự kiến thu hồi 76,9 tỷ đồng.

Rất có thể quyết định chuyển nhượng phần vốn góp sẽ giúp cho PVV khơi thông được dòng tiền để tiếp tục hoàn thiện Dự án Chung cư PVV-Vinapharm theo đúng tiến độ bàn giao nhà. Dự án Chung cư PVV-Vinapharm có tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng được quy hoạch với diện tích gần 3.000 m2, với 1 tầng hầm, 5 tầng dịch vụ thương mại, 1 tầng kỹ thuật, 16 tầng chung cư đã hoàn thiện phần xây thô và dự kiến bàn giao nhà vào đầu năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, Dự án đã bán được gần 90% số lượng căn hộ mở bán. Doanh thu ước tính sơ bộ từ việc bán căn hộ đạt khoảng 346,4 tỷ đồng, lợi nhuận kỳ vọng theo tính toán của phóng viên là khoảng từ 35 - 40 tỷ đồng.

Chuyên đề