PVC đối mặt với hàng loạt khó khăn

(BĐT) - Lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) thừa nhận, mặc dù nỗ lực thực hiện nhiệm vụ song kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC năm 2017 còn rất hạn chế. Về kế hoạch lợi nhuận toàn tổ hợp năm 2018, PVC dự kiến lỗ 84 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ dự kiến lỗ 38 tỷ đồng.
Sau năm 2017 thất bát, PVC dự kiến lợi nhuận 2018 sẽ âm 84 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn
Sau năm 2017 thất bát, PVC dự kiến lợi nhuận 2018 sẽ âm 84 tỷ đồng. Ảnh: Quang Tuấn

Doanh thu từ hoạt động xây lắp sụt giảm mạnh

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2017 vừa được PVC (mã chứng khoán PVX) công bố cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh khá “ảm đạm”. Cụ thể, doanh nghiệp này đạt 1.169,4 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, sụt giảm tới 40% so với cùng kỳ năm 2016. Giá vốn hàng bán đạt 1.281 tỷ đồng, mặc dù giảm so với cùng kỳ 2016 song vẫn ở mức cao dẫn đến lợi nhuận gộp âm 112,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng gấp đôi lên 11 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 45% lên 193 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 89%, chỉ đạt 8,5 tỷ đồng; chi phí hoạt động tài chính tăng 15% so cùng kỳ 2016 lên 91,5 tỷ đồng. Doanh thu không đủ bù đắp cho chi phí khiến trong kỳ hoạt động kinh doanh của PVC lỗ 372,2 tỷ đồng, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.

Luỹ kế cả năm, doanh thu của PVC là 3.699 tỷ đồng, sụt giảm tới 60% so với năm 2016. Trong khi đó các loại chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng; riêng lãi vay trong năm 2017 PVC phải trả là gần 160 tỷ đồng. Kết quả, PVC báo lỗ 409 tỷ đồng.

Theo PVC, nguyên nhân thua lỗ sâu trong quý IV chủ yếu là do sụt giảm về doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh nên Tổng công ty tiếp tục phải trích lập dự phòng. Ngoài ra, báo cáo tài chính hợp nhất của PVC được lập trên cơ sở hợp cộng báo cáo tài chính của các đơn vị, nhưng trong quý IV/2017, hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

Đến cuối năm 2017, PVC có 10.220 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 256 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, có 9.425 tỷ đồng nợ ngắn hạn, chiếm tới 92% tổng nợ phải trả. Con số này tăng 191 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn 2.112 tỷ đồng, hàng tồn kho ở mức 5.011 tỷ đồng.

Dự kiến tiếp tục lỗ trong 2018

Năm 2018, PVC đặt kế hoạch doanh thu toàn bộ tổ hợp dự kiến là 3.800 tỷ đồng, trong đó dự kiến công ty mẹ là 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tổ hợp dự kiến lỗ 84 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ dự kiến lỗ 38 tỷ đồng.

Năm 2017, PVC tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cơ quan pháp luật điều tra, thanh tra, khởi tố tại PVC khiến tâm lý cán bộ công nhân viên thiếu tập trung trong công việc. Ngoài ra, khi làm việc với các chủ đầu tư, đối tác, khách hàng cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC ngày càng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác tiếp thị tìm kiếm nguồn công việc mới.

Đáng lưu ý, PVC cho biết có nhiều khó khăn vướng mắc tại các dự án trọng điểm của Công ty mẹ - Tổng công ty vẫn chưa được giải quyết, trong đó, đặc biệt là Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Trong một loạt kiến nghị đưa ra, PVC chủ yếu cần tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo đó, PVC đã đề nghị Tập đoàn PVN sớm xem xét, phê duyệt các kiến nghị đối với dự án này.

Cụ thể như sớm xem xét phê duyệt bổ sung các khoản chênh lệch chi phí, dự toán tại một số hạng mục, gói thầu. Đồng thời xem xét thanh toán cho PVC khoản thuế nhập khẩu thiết bị đã nộp đến thời điểm 30/9/2017 (khoảng 84 tỷ đồng); xem xét tạm ứng nhập khẩu phát sinh tại từng thời điểm thông quan theo tính toán của hải quan để PVC có nguồn chi phí nộp vào ngân sách nhà nước kịp thời.

PVC cũng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, OceanBank cho phép PVC được sử dụng số dư tài khoản bị đóng băng tại OceanBank để thực hiện Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 nhằm đẩy nhanh tiến độ; miễn áp dụng phạt chậm tiến độ tại dự án này.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW với tổng mức đầu hơn 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD).

Trong năm qua, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là tâm điểm của tai tiếng, đồng thời là một trong những dự án điển hình của việc sử dụng vốn sai mục đích dưới thời Trịnh Xuân Thanh - cựu Chủ tịch PVC. Dự án này cũng đã khiến không ít lãnh đạo của cả PVN và PVC rơi vào vòng lao lý.

Chuyên đề