Phó thống đốc: 'Tiền 100 đồng không để giải quyết vấn đề BOT'

Ông Đào Minh Tú cho biết vẫn cung ứng đủ tiền lẻ cho thanh toán nhưng không ủng hộ dùng để giải quyết vấn đề của những dự án BOT.
Tài xế nhận tiền thối 100 đồng tại trạm BOT.
Tài xế nhận tiền thối 100 đồng tại trạm BOT.

Khẳng định trên được ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong buổi họp báo chiều ngày 8/1.

Theo ông Tú, việc Ngân hàng Nhà nước điều chuyển loại tiền mệnh giá nhỏ về các địa phương là đáp ứng nhu cầu hợp lý và tiết kiệm. Tuy nhiên, việc tiền lẻ được sử dụng tại các dự án BOT giao thông như vừa qua, theo ông Đào Minh Tú, là "mang tính chất không tích cực" và Ngân hàng Nhà nước không ủng hộ.

"Sự việc các tài xế sử dụng tiền lẻ gây khó dễ cho các dự án BOT giao thông gần đây không thể chỉ giải quyết bằng tờ tiền 100 đồng mà cần những giải pháp khác", Phó thống đốc cho biết và khẳng định tiền 100 đồng vẫn còn vai trò trong lưu thông nhưng phải phục vụ nhu cầu thanh toán chính đáng.

Theo đánh giá của ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ, việc cung ứng tiền mệnh giá nhỏ như loại 100 đồng cho các dự án BOT không ảnh hưởng đến mục đích hạn chế sử dụng tiền mệnh giá nhỏ trong lưu thông và nhu cầu cung ứng.

"Việc đáp ứng nhu cầu thanh toán bằng loại tiền có mệnh giá phù hợp sẽ tốt hơn cho các dự án BOT. Tuy nhiên đây không phải vấn đề được khuyến khích", ông Lâm nói.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tết nguyên đán năm nay tiếp tục chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông.

"Ngân hàng Nhà nước vẫn in đầy đủ các mệnh giá, cả tiền mệnh giá nhỏ và vẫn đưa đầy đủ ra lưu thông theo nhu cầu thanh toán thực tế. Tuy nhiên chúng tôi không in và đưa tiền lẻ mới ra lưu thông vào dịp Tết để hạn chế việc sử dụng không đúng mục đích", Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Đối với nhu cầu về tiền mới (mệnh giá trên 10.000 đồng) trong dịp Tết, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sẵn sàng ứng trực mức cao nhất để kịp thời điều chuyển tiền, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, kể cả trong trường hợp xảy ra đột biến.

Dự kiến mức điều chuyển tiền mặt trong dịp Tết Nguyên Đán 2018 sẽ tăng 20% so với cùng kỳ. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chuyển tiền mặt về các địa phương sẽ kết thúc trước ngày 17/2.

Theo tính toán, việc không phát hành loại tiền mệnh giá nhỏ có thể giúp tiết kiệm được 280 tỷ đồng năm 2017, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ năm 2013 đến nay lên 2.200 tỷ đồng.

Chuyên đề