“Ôm” hàng nghìn hec-ta đất, doanh nghiệp nhà nước sử dụng ra sao?

(BĐT) - Thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng bày tỏ lo ngại về tính tiết kiệm và hiệu quả sử dụng các trụ sở làm việc của nhiều cơ quan nhà nước hiện nay, đặc biệt là các trụ sở ở địa phương.
Nắm giữ 45.500 ha đất, vinafor cũng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư.
Nắm giữ 45.500 ha đất, vinafor cũng thu hút được sự chú ý của giới đầu tư.

Không chỉ các cơ quan nhà nước, ngay tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tình trạng lãng phí này cũng tồn tại và tạo ra những mất mát đáng kể cho ngân sách nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, có những dự án chỉ cần sử dụng 100 ha đất là vừa đủ, nhưng doanh nghiệp lại làm đề xuất xin tới gấp 10 lần con số đó vì giá đất cho thuê nhìn chung rất rẻ. Sau khi có đất, nước cờ tiếp theo của doanh nghiệp là xin chuyển đổi mục đích sử dụng. Khi đó, phần đất này sẽ tạo ra giá trị sử dụng khác mà doanh nghiệp không phải thực hiện đấu giá. Có nghĩa là địa tô chênh lệch đã được doanh nghiệp hưởng trọn, phần này đáng ra phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Dự thảo Luật cần có những quy định để luật hóa việc đưa giá trị đất, giá trị địa tô chênh lệch phải thuộc quyền quản lý và sở hữu của Nhà nước. Điều này cực kỳ có ý nghĩa trong quá trình cổ phần hóa DNNN. Theo đó, giá trị quyền sử dụng đất phải được tính đầy đủ, bảo đảm tối đa hóa số tiền Nhà nước có thể thu về khi cổ phần hóa. 

Quyền sử dụng đất là tài sản rất lớn

Quyền sử dụng đất là một tài sản có giá trị và được định giá rất cao nếu nằm ở một vị trí trung tâm. Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước đại diện quản lý. Cũng tại buổi thảo luận Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), ông Triệu Tài Vinh (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) yêu cầu Dự thảo cần bổ sung việc sử dụng tài nguyên đất không đúng mục đích. Theo ông Vinh, hiện có rất nhiều công ty, nông lâm trường quản lý và sử dụng đất không hiệu quả. Không đưa ra những ví dụ cụ thể, tuy nhiên nhìn vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có quỹ đất khổng lồ không khó để nhận ra điều đó.

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, năm 2014, cơ quan này phát hiện ra một số đơn vị chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý.
Không hoàn toàn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Công ty CP Sứ Bát Tràng ít nhiều mang tính chất của DNNN khi Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nắm giữ 64,5% vốn điều lệ trước khi đơn vị này thoái vốn. Đáng chú ý là nắm trong tay tới 28 nghìn m2 đất, trong đó quá nửa dùng để xây dựng xí nghiệp sản xuất hàng sứ cao cấp, Sứ Bát Tràng làm ăn cực kỳ bê bết, âm vốn chủ sở hữu vào cuối quý I/2015. Mảnh đất doanh nghiệp này nắm giữ đã “kích” giá cổ phiếu Sứ Bát Tràng lên mức kỷ lục 421.600 đồng/CP trong phiên đấu giá hồi tháng 3/2016.

Cũng hồi tháng 3 vừa qua, phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) cũng thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi Tập đoàn T&T của “ông bầu” Đỗ Quang Hiển được chọn làm Nhà đầu tư chiến lược. Nắm giữ 45.500 ha đất, vốn điều lệ khổng lồ (3.500 tỷ đồng), kết quả kinh doanh của Vinafor lại hết sức khiêm tốn và ít bứt phá. Từ năm 2011 - 2015, lợi nhuận của Tổng công ty giảm dần từ mức 341 tỷ đồng xuống còn 159 tỷ đồng. Phần lớn lợi nhuận của Vinafor lại đến từ việc nhận cổ tức của một công ty chuyên kinh doanh… xe máy! 

Con số giật mình

Sử dụng chưa hiệu quả là một chuyện, những con số về việc lãng phí nguồn lực đất đai không khỏi khiến người ta giật mình.

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, năm 2014, cơ quan này phát hiện ra một số đơn vị chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý. Ví dụ Tổng công ty Mía đường II (Vinasugar II) có 112 ha; Tổng công ty 15, một DNNN thuộc Bộ Quốc phòng cũng “dư” gần 398 ha đất tại Lào và 3.503 ha đất tại Campuchia…

Đáng chú ý là, tiền sử dụng đất tính đến hết năm 2014 đang bị nợ đọng tới 1.898 tỷ đồng, chiếm 84,8% các khoản nợ đọng tăng thêm của các DNNN bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Cũng tại các DNNN, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị chưa xác định giá trị quyền sử dụng đất để theo dõi, quản lý, hoặc chưa phản ánh đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất trên báo cáo tài chính...

Rõ ràng, nếu chấm dứt được những tiêu cực, yếu kém trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, ngân sách nhà nước sẽ được cải thiện đáng kể. Hoàn thiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo hướng đưa giá trị quyền sử dụng đất vào hạch toán giá trị doanh nghiệp vì vậy cực kỳ cần thiết.

Chuyên đề