Nợ xấu phải được xử lý tận gốc

(BĐT) - Giải pháp nào để xử lý tận gốc “cục máu đông” nợ xấu là vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận sáng ngày 7/6 về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
VAMC đã cùng các tổ chức tín dụng quyết liệt xử lý nợ xấu, nhưng mới xử lý được 14,5%, còn 85,5% vẫn tồn đọng. Ảnh: Hoài Nam
VAMC đã cùng các tổ chức tín dụng quyết liệt xử lý nợ xấu, nhưng mới xử lý được 14,5%, còn 85,5% vẫn tồn đọng. Ảnh: Hoài Nam

Bán nợ cho VAMC chỉ là “đánh bùn sang ao”

Đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TP. HCM, thống kê lại, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế là 5.500 nghìn tỷ đồng và nợ xấu chiếm 10,08%. Qua thời gian từ 2012 đến 2016 toàn hệ thống đã xử lý được 611.000 tỷ nợ xấu, trong đó tổ chức tín dụng xử lý được 55,4% và VAMC 44,6%. Theo ông Quốc, về bản chất VAMC chỉ là nhà kho tạm giữ nợ xấu, đảo nợ để đảm bảo chỉ số an toàn vốn của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh, đoàn Quảng Trị cũng cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã thành lập VAMC mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng. VAMC đã cùng các tổ chức tín dụng quyết liệt thực hiện, nhưng mới xử lý được 14,5%, còn 85,5% tồn đọng. Do đó thực chất chỉ là "đánh bùn sang ao". Tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu chiếm khoảng 10% tổng dư nợ tín dụng cho vay và nếu so với GDP thì bằng khoảng 13%. Đống nợ xấu đã "chặn dòng chảy động mạch chủ" của nền kinh tế vì mô hình tăng trưởng hiện nay vẫn dựa vào quy mô vốn mà phần lớn do hệ thống tín dụng ngân hàng cung ứng.

Vì vậy, theo đại biểu Sinh, cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là hết sức cần thiết để kịp thời phá tan đống nợ xấu. Giải quyết được vấn đề này, một mặt sẽ huy động được nguồn nội lực rất lớn của xã hội tồn đọng từ lâu trong khi nền kinh tế của chúng ta đang khát vốn, nợ công đã gần kịch trần. Mặt khác, các tổ chức tín dụng sẽ giảm trích lập rủi ro, tăng nguồn vốn cung ứng trên thị trường, có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị, đi đôi với biện pháp xử lý nợ xấu, cần có những biện pháp để ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Đại biểu Mai Sỹ Diến, đoàn Thanh Hoá, việc ban hành Nghị quyết mấu chốt là xử lý nợ xấu nhưng chỉ là xử lý nợ xấu đã phát sinh, như vậy mới xử lý phần ngọn, chưa chỉ rõ về nguyên nhân gây ra nợ xấu, tổ chức, cá nhân nào gây ra nợ xấu. Để xử lý nợ xấu tận gốc, Nghị quyết cần chỉ rõ các nguyên nhân gây ra nợ xấu. “Thực tiễn hiện nay có nhiều khoản cho vay vượt quá giá trị của tài sản đảm bảo nhiều lần, nhiều khoản cho vay biết trước không thể thu nợ được nhưng vì những lý do khác nhau, tổ chức tín dụng vẫn cho vay. Nghị quyết cần phải tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý tận gốc, quy trách nhiệm những tổ chức, cá nhân vì chủ quan mà gây ra nợ xấu mới hy vọng hạn chế được nợ xấu phát sinh”, đại biểu Diến nêu quan điểm. 

Phải tạo ra được thị trường mua bán nợ

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn TP. Hà Nội, Dự thảo Nghị quyết chưa thể hiện rõ cơ chế thị trường trong xử lý nợ xấu. Nghị quyết còn thiếu các quy định về cơ chế bán đấu giá tài sản trong mua bán các khoản nợ, chưa cụ thể hóa cơ chế thỏa thuận giữa các bên liên quan trong xử lý tài sản, trong định giá tài sản và đặc biệt là cơ chế về giải quyết tranh chấp. “Theo nghị quyết này, chúng ta không giải quyết tranh chấp bằng con đường tòa án. Vậy trong trường hợp phát sinh các tranh chấp thì sẽ xử lý như thế nào”, đại biểu Mai đặt vấn đề.

Đại biểu Phạm Phú Quốc cũng cho rằng, để xử lý được nợ xấu vấn đề quan trọng là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Ông Quốc ví dụ, nếu tài sản bảo đảm là bất động sản thì các doanh nghiệp bất động sản và người dân sẽ quan tâm, nếu tài sản bảo đảm là xe ô tô thì các hãng taxi, Uber, Grab và người dân cũng sẽ quan tâm... Thị trường sẽ không chỉ dành cho các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng mà các thành phần kinh tế khác đều tham gia. Những gói nợ xấu thật sự mà thị trường khó xử lý thì có thể giao cho VAMC. “Ngân sách không thể tham gia xử lý thị trường nợ xấu mà phải để cho thị trường tự xử lý và tự quyết định. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, sau khi gom và phân loại các nhóm nợ xấu, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu và trái phiếu này được đảm bảo bởi tài sản đảm bảm để thu hút vốn của xã hội xử lý nợ xấu”, đại biểu Quốc hiến kế.

Liên quan đến việc bán tài sản bảo đảm, đại biểu Trương Anh Tuấn, đoàn Nam Định cho rằng, pháp luật hiện hành cho phép tổ chức tín dụng, công ty VAMC bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường nhưng không có quy định về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ. Điều này đã làm khó cho tổ chức tín dụng khi giá thị trường luôn biến động, có nhiều tài sản đảm bảo khi mở bán có giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ.

Nhiều đại biểu tán thành việc Dự thảo Nghị quyết cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua, bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá thị trường, theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Tuy nhiên, cần đảm bảo việc tổ chức bán tài sản công khai, minh bạch, không tạo ra kẽ hở để các tổ chức tín dụng lợi dụng bán thấp hơn giá thị trường để lợi dụng cho lợi ích của nhóm hoặc lợi ích cá nhân.

Chuyên đề