Nợ thuế đã nhờn thuốc?

(BĐT) - Khi các biện pháp đốc thúc, cưỡng chế vẫn chưa đủ lực để làm giảm số nợ thuế, cơ quan thuế muốn trông cậy vào biện pháp cưỡng chế tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Tuy nhiên, điều này không dễ thực hiện và chưa nhận được sự thống nhất từ các bên.
Tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến 31/3/2019 đã tăng 8,7% (6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018. Ảnh: Mạnh Hà
Tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến 31/3/2019 đã tăng 8,7% (6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018. Ảnh: Mạnh Hà

Nợ thuế có xu hướng tăng

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tình hình nợ đọng thuế trong quý 1/2019 diễn biến phức tạp, tiền nợ thuế tăng ở một số các địa phương.

Cụ thể, tổng số nợ thuế ngành thuế quản lý tính đến 31/3/2019 là 82.972 tỷ đồng, tuy có giảm 0,8% (khoảng 686 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018 nhưng lại tăng 8,7% (6.644 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2018.

Tính theo địa phương, có 62/63 địa phương có tổng số tiền thuế nợ tăng so với thời điểm 31/12/2018, trong đó có 35/62 địa phương tỷ lệ tăng nợ cao trên 20%.

Cơ quan thuế cho rằng, ngoài nguyên nhân do ý thức chấp hành pháp luật thuế của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, chưa nộp đúng, đủ, kịp thời số phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, còn có nguyên nhân chủ quan do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.

Các giải pháp thu nợ của cơ quan thuế trong thời gian tới là: đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế; áp dụng nghiêm các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo quy định. Ngành thuế phấn đấu tổng số nợ thuế đến thời điểm 31/12/2019 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách năm 2019.

Bình luận các con số và những giải pháp nêu trên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ thuế là một trong những vấn đề “đau đầu” nhất của ngành thuế, bởi nhiều biện pháp đã áp dụng nhưng không mang lại hiệu quả đáng kể. “Số nợ càng tăng, thất thu ngân sách càng nặng nề. Do đó, cần sớm có giải pháp triệt để hơn để tăng hiệu quả thu hồi nợ thuế”, ông Long nói. 

Nhiều quan điểm trái chiều

Bên cạnh các biện pháp đốc thúc để thu nợ đã thực hiện, một trong những giải pháp mạnh tay đã được Bộ Tài chính đề cập trong nhiều lần xây dựng Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là yêu cầu ngân hàng phải cung cấp số tài khoản của người nộp thuế cho cơ quan thuế.

Với cách làm đó, bất kỳ khi nào người nộp thuế mở tài khoản ngân hàng mới, cơ quan thuế đều biết. Khi có phát sinh nợ thuế, cơ quan thuế có thể yêu cầu ngân hàng trích tiền từ tài khoản đang có tiền.

Nội dung này tiếp tục được bàn đến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra. Nêu ý kiến về giải pháp cưỡng chế nợ thuế qua tài khoản ngân hàng, đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (tỉnh Long An) đề xuất cần bổ sung quy định tạo cơ chế cho cơ quan quản lý thuế có thực quyền nắm bắt thông tin tài khoản có tiền của đối tượng vi phạm hành chính về thuế, nợ thuế tại các tổ chức tín dụng ngoài tài khoản mà đối tượng đã đăng ký với cơ quan thuế.

Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp thông tin từ ngân hàng và yêu cầu tạm ngưng, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng trong khoảng thời gian 3 hay 5 ngày để cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế. Sau thời gian này, nếu cơ quan thuế không ra quyết định cưỡng chế, việc tạm phong tỏa được giải tỏa.

Trong khi đó, đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) đưa ra cơ sở pháp lý cho thấy việc này không dễ thực thi.

Theo đó, Khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức cá nhân khác trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Mặt khác, Nghị định số 117/2018 của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định: “Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, nghị định này và pháp luật có liên quan”.

“Do vậy, ngân hàng thương mại không thể đương nhiên cung cấp mã số, số hiệu tài khoản của người nộp thuế tại ngân hàng cho cơ quan thuế nếu không có yêu cầu hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc sự đồng ý của khách hàng”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.

Trong khi đó, theo ông Ngô Trí Long: “Chắc chắn là có nhiều doanh nghiệp nợ thuế không muốn trả nợ, họ chây ì để được lợi. Đến thời điểm này, cách hiệu quả nhất là cưỡng chế được dòng tiền vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện các cơ quan vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng trong việc cung cấp số tài khoản của doanh nghiệp cho cơ quan thuế. Cần có sự phối hợp để việc thực thi hiệu quả mà không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người nộp thuế”.

Chuyên đề