Nợ phải thu của Xây dựng Bạch Đằng 201 có dễ bán?

(BĐT) - Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang có kế hoạch bán đấu giá tài sản cả lô 440.000 cổ phần kèm hơn 40,6 tỷ đồng khoản nợ phải thu do DATC sở hữu tại Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201.
Tổng giá trị khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201 theo giá trị sổ sách tính đến ngày 30/9/2014 là 37,087 tỷ đồng
Tổng giá trị khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201 theo giá trị sổ sách tính đến ngày 30/9/2014 là 37,087 tỷ đồng

Giá khởi điểm của lô tài sản được DATC đưa ra là 10,7 tỷ đồng. Bước giá là 1 triệu đồng. Thời gian tổ chức bán đấu giá dự kiến vào ngày 30/6/2017 tại Công ty CP Chứng khoán Tân Việt có địa chỉ tầng 6, số 79 Lý Thường Kiệt, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có thể nộp phiếu tham dự đấu giá theo một trong hai hình thức là bỏ trực tiếp vào hòm phiếu (đã được niêm phong) hoặc gửi qua đường bưu điện dưới hình thức thư bảo đảm.

Theo Nghị quyết số 40/NQ/HĐTV về việc phê duyệt phương án thoái vốn kèm bán nợ phải thu tại Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201 ngày 9/12/2014 của DATC, số lượng 440.000 cổ phần tương đương với tổng giá trị theo mệnh giá là 4,4 tỷ đồng. Tổng giá trị khoản nợ theo giá trị sổ sách tính đến ngày 30/9/2014 là 37,087 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc là 17,8 tỷ đồng, nợ lãi là 19,2 tỷ đồng. Tính tới thời điểm bán đấu giá, khoản nợ lãi đã lên tới hơn 22,8 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty CP Xây dựng Bạch Đằng 201 cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016, tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu của Công ty năm 2015 đạt 0,8% (tức là cứ 100 đồng doanh thu, Công ty chỉ thu về được 0,8 đồng lãi ròng). Năm 2016, tỷ suất này của Công ty còn thấp hơn, chỉ đạt 0,4%. Điều đó cho thấy hiệu quả kinh doanh của Xây dựng Bạch Đằng 201 thấp và còn có dấu hiệu giảm sút.

Tại Báo cáo tài chính, ý kiến của kiểm toán ngoại trừ - Công ty TNHH Kiểm toán AASC cho biết, đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính kiểm toán, AASC chưa nhận được đầy đủ biên bản đối chiếu xác nhận công nợ phải thu, phải trả ngày 31/12/2016. Do vậy, kiểm toán viên không thể đánh giá chính xác được tính đầy đủ, tính hiện hữu và dự phòng nợ phải thu khó đòi phải trích lập theo quy định của Thông tư số 228/2009/TT-BCT ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính.

Cũng liên quan đến các khoản phải thu của Xây dựng Bạch Đằng 201, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, Công ty đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế khi nhận sáp nhập Công ty Xây lắp cơ giới năm 2002 tại khoản mục “Phải thu ngắn hạn khác” số tiền là hơn 14 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm phát hành báo cáo tài chính này Công ty chưa có phương án xử lý.

Khoản nợ phải thu của Xây dựng Bạch Đằng 201 năm 2016 là gần 70 tỷ đồng, chiếm tới gần 40% tổng tài sản của Công ty. Ngoài tiền và các khoản tương đương tiền thì các khoản phải thu ngắn hạn là khoản có tính thanh khoản cao. Trong khi khoản mục nợ phải trả của Xây dựng Bạch Đằng 201 lên đến 157 tỷ đồng, chiếm tới 88% tổng tài sản của Công ty thì việc minh bạch các khoản phải thu này là một điều hết sức quan trọng cho các nhà đầu tư.

Chuyên đề