Niêm yết ở nước ngoài: chưa khả thi

Càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp bày tỏ ý định niêm yết cùng lúc trên sàn chứng khoán trong nước và nước ngoài. Công ty VinaGame chưa niêm yết trong nước mà muốn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ trước.
Việc chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam khó khăn với cả cá nhân và doanh nghiệp có lý do là nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn eo hẹp. Ảnh: NGUYỄN NAM
Việc chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam khó khăn với cả cá nhân và doanh nghiệp có lý do là nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn eo hẹp. Ảnh: NGUYỄN NAM

Hầu hết các doanh nghiệp có ý định trên cho biết nếu được Nhà nước cho phép, họ sẽ chọn thị trường chứng khoán Singapore làm nơi dừng chân. Niêm yết ở nước ngoài sẽ giúp họ huy động được vốn của nhà đầu tư ngoại, quảng bá thương hiệu, tìm đối tác chiến lược và nếu có thể là cả đầu mối tiêu thụ sản phẩm, kênh phân phối hàng hóa...

Rõ ràng nhu cầu niêm yết ở nước ngoài là có thực. Vấn đề là ở chỗ các quy định pháp lý liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán hiện tại chưa đề cập đến chuyện này. Tuy nhiên ngay cả khi quy định về chứng khoán mở ra và trở nên thông thoáng hơn, các doanh nghiệp lại vấp phải một rào cản mang tính cơ bản, đó là cá nhân có được đầu tư ra nước ngoài.

Từ trước đến nay những doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài (mang ngoại tệ ra nước ngoài) đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Các cá nhân đi định cư ở nước ngoài được phép mang theo hoặc chuyển ra nước ngoài một tỷ lệ tài sản nhất định thông qua việc chuyển tiền qua ngân hàng sau khi đã có giấy phép của cơ quan quản lý.

Còn nhớ khoảng 7-8 năm trước khi Tổng công ty Cao su đầu tư sang Campuchia và Lào, mỗi lần lãnh đạo các công ty cao su đi công tác bên đó đều cố gắng mang theo tối đa 3.000 đô la Mỹ cho doanh nghiệp (mức 3.000 đô la Mỹ sau đó đã được nâng lên 5.000 đô la Mỹ/người cho đến hiện nay) vì việc thực hiện đầy đủ các thủ tục chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài mất nhiều thời gian. Sau này các thủ tục đã được cải thiện, bớt đi một số công đoạn, nhưng chưa thật sự đơn giản.

Việc chuyển ngoại tệ ra khỏi Việt Nam khó khăn với cả cá nhân và doanh nghiệp có lý do là nguồn dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn eo hẹp. Quỹ dự trữ ngoại hối mới chỉ được nâng lên 30 rồi 40 tỉ đô la Mỹ khoảng ba năm trở lại đây. Mười năm trước, dự trữ ngoại hối của Việt Nam rất thấp, có thời điểm chỉ 15-20 tỉ đô la Mỹ, không đáp ứng đủ 12 tuần nhập khẩu là mức tối thiểu theo khuyến cáo của một số tổ chức tài chính quốc tế.

Niêm yết doanh nghiệp Việt ở nước ngoài là một phần của bài toán tổng thể về sự chuyển đổi được của đồng tiền Việt Nam, về chính sách quản lý ngoại hối... Tất cả những điều kiện đó đều chưa khả thi lúc này!
Doanh nghiệp niêm yết ở nước ngoài đồng nghĩa với việc cổ đông, nhà đầu tư nội địa có tài khoản ở nước ngoài và việc giao dịch (mua/bán cổ phiếu) phải tiến hành bằng đồng tiền của nước sở tại. Nếu doanh nghiệp niêm yết ở Singapore thì giao dịch bằng đồng đô la Singapore, ở Mỹ thì bằng đô la Mỹ. Cho dù nhà đầu tư Việt vẫn đang ở trong nước, song tài khoản của họ, tiền của họ ở nước ngoài bằng ngoại tệ. Khi đó tiền của họ đã ở nước ngoài mà không phải qua các bước thủ tục xin phép chuyển ngoại tệ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam như các quy định hiện hành.

Giả sử chúng ta có một quy định mới về vấn đề trên, theo đó khi mua hay bán cổ phiếu của doanh nghiệp Việt niêm yết ở nước ngoài, nhà đầu tư Việt phải ký hợp đồng với công ty cung cấp dịch vụ môi giới và ngân hàng nơi họ mở tài khoản để những đơn vị này tự động chuyển ngoại tệ về Việt Nam cho nhà đầu tư. Ngoại tệ ấy được ngân hàng trong nước căn cứ vào tỷ giá niêm yết hàng ngày để chuyển đổi thành tiền Việt và chuyển vào tài khoản chứng khoán cho nhà đầu tư. Ngay cả khi các bước thủ tục được đơn giản hóa đến mức tối đa, nhà đầu tư nội vẫn phải ra nước ngoài mở tài khoản, ký giấy tờ một vài lần. Cái này hiện nay là bất khả thi vì Việt Nam chưa cho phép người dân được tự do mở tài khoản giao dịch ở ngân hàng tại nước ngoài cho dù là gửi tiết kiệm.

Ngoài ra cũng phải thấy rằng việc ngân hàng nội địa nhận tiền của nhà đầu tư bằng ngoại tệ từ nước ngoài, rồi tự động chuyển đổi thành tiền đồng và chuyển vào tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư là không đúng quy định.

Hiện nay mỗi khi nhận ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về (chẳng hạn kiều hối) người nhận phải ra ngân hàng, xuất trình giấy tờ (chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy báo có tiền gửi từ nước ngoài) thì mới được nhận trực tiếp bằng ngoại tệ hoặc tiền đồng nếu có nhu cầu đổi ra tiền đồng.

Cũng có ngân hàng cho nhân viên đến tận nhà chi trả kiều hối cho người nhận, nhưng người nhận cũng phải ký xác nhận và đối chiếu chứng minh nhân dân. Không lẽ nhà đầu tư chứng khoán giao dịch hàng ngày, ngày nào cũng phải ra ngân hàng tiến hành các thủ tục như vậy? Chưa kể thị trường chứng khoán nước ngoài cho phép giao dịch liên tục, mua bán sau một vài phút (chứ không phải vài giờ), cho bán khống, phái sinh... Nhà đầu tư Việt Nam có được thực hiện những nghiệp vụ này đối với doanh nghiệp Việt niêm yết ở nước ngoài như các nhà đầu tư nước ngoài tại chỗ?

Thực tế hiện nay các quỹ đầu tư ngoại huy động vốn ở nước ngoài, niêm yết ở nước ngoài (như quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý; VOF do VinaCapital quản lý) và đầu tư ở Việt Nam bằng tiền đồng (chuyển ngoại tệ vào rồi chuyển ra tiền đồng để giải ngân). Khi bán cổ phiếu, chuyển tiền ra, họ lại đổi tiền đồng thành ngoại tệ. Nếu chúng ta quy định cho phép doanh nghiệp Việt niêm yết ở nước ngoài, nhưng chỉ nhà đầu tư nước ngoài được giao dịch cổ phiếu ở nước niêm yết thì cũng không ổn bởi như thế thì doanh nghiệp Việt được phép niêm yết đó phải thuộc sở hữu 100% của nước ngoài. Như thế thì đâu còn chức năng huy động vốn nước ngoài mà doanh nghiệp nội mong muốn?

Niêm yết doanh nghiệp Việt ở nước ngoài là một phần của bài toán tổng thể về sự chuyển đổi được của đồng tiền Việt Nam, về chính sách quản lý ngoại hối, về vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, về quyền được mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài tại nước ngoài của người dân... Tất cả những điều kiện đó đều chưa khả thi lúc này!

Chuyên đề