Những cỗ máy in tiền công suất cao: Thật hay ảo?

(BĐT) - Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến ngày càng nhiều thương vụ lướt sóng với mức “lãi” hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng. Có hay không những nghi vấn về tính “phi thị trường” của các thương vụ này?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyện cũ…

Năm 2013, một trong những công ty làm ăn tốt nhất thị trường là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã chứng khoán MPC) bất ngờ công bố ý định hủy niêm yết tự nguyện. Thông tin gây sốc được Ban lãnh đạo Công ty lý giải đơn giản là đối tác CPFoods của Thái Lan muốn mua cổ phần Minh Phú.

Với tiềm năng của Minh Phú, hai bên thương lượng mua bán với giá 50.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu MPC lúc bấy giờ chỉ xoay quanh mức 30.000 đồng. Nếu không hủy niêm yết, ngay lập tức CPFoods sẽ ghi một khoản lỗ khổng lồ sau khi thương vụ hoàn tất, và công ty này sẽ không biết phải lý giải như thế nào với cổ đông của họ.

Thương vụ CPFoods với Minh Phú cuối cùng cũng đổ bể. Tuy nhiên, qua vụ việc này có thể thấy rằng, việc “mua hớ” cổ phiếu luôn là một quyết định cực kỳ khó khăn, có thể đối mặt với nhiều sự phản đối. Cổ phiếu MPC sau một thời gian đã chứng tỏ được tiềm năng của nó, tăng giá lên mức 122.000 đồng/cổ phiếu trước khi hủy niêm yết chính thức vào tháng 3/2015. Thế nhưng tại thời điểm thương lượng, thị giá cổ phiếu này thấp hơn nhiều so với giá thương lượng, hai bên ngay lập tức gặp rất nhiều khó khăn. Kiếm tiền trên thị trường chứng khoán chưa bao giờ dễ dàng. Vì chẳng ai cẩu thả “biếu không” một cục tiền cả. 

Những thương vụ “vô tiền khoáng hậu”

Thế nhưng, mọi chuyện có vẻ không đúng lắm với trường hợp của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (mã chứng khoán HNG). Ngày 23/2/2016, HAGL Agrico công bố thông tin cho biết đã có 2 đối tác là Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh đã mua 59 triệu cổ phần phát hành thêm của Công ty với giá 28.000 đồng/cổ phần. Vấn đề là, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu HNG chỉ đạt mức giá 9.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy là ngay sau khi hoàn tất thương vụ, 2 đối tác của HAGL Agrico đã ngay lập tức lỗ gần 1.100 tỷ đồng – nói cách khác, “mua hớ” gần 1.100 tỷ đồng.

Có thể lý giải, thương vụ của HAGL Agrico và 2 đối tác đã được chốt vào tháng 10 năm ngoái, khi đó thị giá cổ phiếu HNG vẫn cao hơn 2.100 đồng so với mức giá được thông qua. Khó có thể nói 2 đối tác của HAGL Agrico bắt buộc phải thực hiện thương vụ. Hủy ngang hợp đồng, chấp nhận đền bù để tránh khoản lỗ khổng lồ là một phương án đáng để cân nhắc trong trường hợp này.

Sau khi tìm hiểu thông tin 2 đối tác, chúng tôi được biết 2 công ty này cùng thành lập vào tháng 3/2014, và có cùng địa chỉ tại  L14-08B Lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Rất nhiều điểm đáng nghi vấn vì tính “phi thị trường” của thương vụ này.

Đặc biệt, về mặt kỹ thuật, thông tin bán giá cao cho đối tác chiến lược có thể hỗ trợ giá cổ phiếu HNG. Tại thời điểm cuối quý 2/2015, 124 triệu cổ phiếu HNG đang được công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay trái phiếu. Cổ phiếu HNG lao dốc trong thời gian vừa qua đặt HAGL Agrico trước nguy cơ phải bổ sung tài sản đảm bảo. Vực dậy giá cổ phiếu HNG, vì vậy là thông tin tốt lành đối với HAGL Agrico.

Có vẻ như thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng chứng kiến nhiều thương vụ như vậy. Năm 2015, Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội – Hanic (Mã chứng khoán SHN) báo lãi 330 tỷ đồng, trong khi năm 2014 Công ty lỗ 79 tỷ đồng do những quyết định sai lầm trong quá khứ. Đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh năm 2015 của Hanic là thương vụ lướt sóng cổ phiếu của Công ty CP Sapa Hưng Yên và Công ty CP Tân Hoàng Cầu chỉ trong 2 tuần cuối tháng 11. Có nghĩa là công ty này chỉ mua cổ phần, rồi bán ngay trong vòng có 2 tuần. Hanic như một trung gian để giao dịch cổ phiếu hơn là một nhà đầu tư đúng nghĩa. Vấn đề là, tại sao đối tác nhận chuyển nhượng lại dễ dàng trả một cái giá quá hời cho Hanic khi Hanic chỉ đóng vai trò trung gian?

Chỉ biết rằng, các thương vụ lướt sóng cổ phiếu của Hanic đã giúp công ty này nhanh chóng xóa lỗ lũy kế - điều kiện tiên quyết để Hanic có thể phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ mức 386 tỷ đồng hiện tại lên trên 2.000 tỷ đồng.

“Bắt chước” Hanic, Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của một công ty con, ghi lãi 180 tỷ đồng, góp phần giúp Công ty hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015.

Trước đó, Địa ốc Hoàng Quân đã “mua” cổ phần của công ty con bằng chính cổ phần HQC thông qua hình thức hoán đổi – tức là không phải chi ra một đồng tiền mặt nào. Khoản lợi nhuận 180 tỷ đồng, vì vậy giống như một khoản chi hào phóng của đối tác Địa ốc Hoàng Quân vậy.

Việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015 của HQC có một ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2015 của công ty này, ông Trương Anh Tuấn đã cam kết hoàn thành kế hoạch lợi nhuận và cổ tức – nếu không sẽ từ nhiệm.

Qua các thương vụ với mức “lãi” từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng nói trên, có thể thấy một điểm chung là các bên nhận chuyển nhượng cổ phần có vẻ như hoặc là rất dại dột và cẩu thả, hoặc là rất… hào phóng. Nguyên nhân thực sự của các quyết định nói trên, có lẽ chỉ có các bên liên quan mới có thể biết được.

Chuyên đề