Nhọc nhằn thu nợ thuế

(BĐT) - Để “đòi” số nợ thuế và tiền thuê đất lên đến hàng trăm tỷ đồng từ nhiều doanh nghiệp. Cục Thuế TP. Hà Nội lại vừa tiếp tục công khai đợt 6/2016 Danh sách 148 đơn vị nợ thuế tính đến ngày 31/1/2016 với tổng số tiền nợ lên tới 333,4 tỷ đồng.
Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí đang nợ thuế số tiền 8,487 tỷ đồng. Ảnh: LTT
Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí đang nợ thuế số tiền 8,487 tỷ đồng. Ảnh: LTT

Licogi 20 nợ thuế hơn 65 tỷ đồng

Trong Danh sách 148 đơn vị nợ thuế có 9 doanh nghiệp (DN) nợ tiền thuê đất với số nợ 49,1 tỷ đồng và 139 DN nợ thuế, phí với số nợ 284,3 tỷ đồng.

Đứng đầu danh sách nợ tiền thuê đất là các công ty: Công ty CP Tổng bách hóa nợ 8,724 tỷ đồng; Công ty CP Lương thực Đông Anh nợ 7,466 tỷ đồng; Công ty Cơ khí xây dựng và Lắp máy điện nước nợ 6,049 tỷ đồng.

Về nợ thuế, Chi nhánh Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng - Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Xây dựng 20 (Licogi 20) có số nợ “khủng” lên tới 65,256 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Khoáng sản và Cơ khí nợ 8,487 tỷ đồng; Công ty CP Rượu Việt Nam - Thuỵ Điển nợ 6,462 tỷ đồng; Chi nhánh Licogi 15.5 - Công ty CP Licogi 15 nợ 5,882 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại An Thịnh Phát nợ 4,960 tỷ đồng…

Theo Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Hà Minh Hải, việc công khai Danh sách DN nợ đọng thuế là giải pháp đúng và hiệu quả. Không ít DN trong danh sách nợ thuế và các DN nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ nộp số nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất. 

Tiếp tục công khai doanh nghiệp nợ thuế kéo dài

Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, để thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế hiệu quả, cơ quan này phải thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị nợ thuế; thu thập thông tin từ phía cơ quan, đơn vị nợ thuế để xác định nguyên nhân nợ. Từ đó, có giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể, chia sẻ, hỗ trợ giúp cơ quan, đơn vị nợ thuế vượt qua khó khăn, sớm hoàn thành nghĩa vụ với NSNN.

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng liên tục rà soát, tham mưu với UBND Thành phố, Bộ Tài chính cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, thông thoáng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nợ thuế.

Để giải quyết những vướng mắc về chính sách thuế, nhiều kiến nghị hiệu quả đã được Cục Thuế TP. Hà Nội đề xuất với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Trong đó, Cục kiến nghị với Tổng cục Thuế cho phép xuất lẻ hóa đơn với các DN đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kiến nghị về giải quyết không tính tiền chậm nộp với các đơn vị thi công công trình vốn NSNN nhưng là nhà thầu phụ… Với những hỗ trợ đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, nhiều cơ quan, đơn vị nợ thuế đã chấp hành tốt chính sách, pháp luật thuế.

Đối với những cơ quan, đơn vị nợ thuế chây ỳ, trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục áp dụng quyết liệt các biện pháp cưỡng chế tài khoản và hóa đơn theo quy định; tiếp tục công khai những đơn vị nợ thuế kéo dài; các dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất lâu ngày, số nợ lớn hoặc đã được UBND Thành phố quyết định gia hạn nhưng không chấp hành nộp đúng thời hạn. Ngoài ra, cơ quan này cũng cảnh báo các chủ dự án, DN cần chủ động thu xếp nguồn tài chính nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Năm 2015, sau khi Cục Thuế TP. Hà Nội công khai 7 đợt Danh sách doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế năm 2015, đã có 311/627 đơn vị thu xếp nguồn tài chính và nộp nợ vào NSNN với số tiền gần 1.771 tỷ đồng, trong đó có 30 đơn vị nộp hết nợ. Riêng 2 tháng đầu năm 2016, sau 2 đợt công khai 257 đơn vị nợ thuế, đã thu được 36,2 tỷ đồng.

Chuyên đề