Nhiều việc đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước

Có yêu cầu đặt ra như ngược hẳn với xu hướng đã và đang thể hiện trên thị trường...
Một trong những điểm nổi bật nhất về định hướng hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới là đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay - Ảnh: Quang Phúc.
Một trong những điểm nổi bật nhất về định hướng hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới là đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay - Ảnh: Quang Phúc.

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về phiên họp thường kỳ tháng 4/2016. Những nội dung trọng điểm, thậm chí là nhạy cảm, của ngành ngân hàng được đặt ra cụ thể.

Một trong những điểm nổi bật nhất về định hướng hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới là đặt mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay - điều dường như ngược với xu hướng lãi suất huy động đã tăng lên rõ nét từ cuối 2015 đến nay.

Cụ thể, tại nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, ổn định mặt bằng lãi suất, giảm lãi suất cho vay.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát các ngân hàng thương mại yếu kém; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khoa học công nghệ... gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Một nội dung trọng tâm khác là Ngân hàng Nhà nước phải đánh giá lại tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 - 2015; xây dựng đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh xử lý thực chất nợ xấu qua Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Một “điểm nóng” được chú ý đầu năm nay cũng được Chính phủ nêu cụ thể trong nghị quyết là Ngân hàng Nhà nước rà soát, sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế.

Nghị quyết trên không nêu chi tiết các mức độ và lộ trình mà Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo thực hiện được. Song, đây là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, một trong những thông điệp đầu tiên về quyết tâm chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội, nên các yêu cầu đặt ra hẳn sẽ buộc phải làm ngay và sớm có kết quả.

Đó là những nội dung lớn và cũng là những thử thách. Tất nhiên, trước khi ban hành nghị quyết, Chính phủ đã họp bàn, trong đó có ý kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tính khả thi, hướng triển khai các yêu cầu, mục tiêu được giao.

Chuyên đề