Nhiều dự án trăm tỷ của Vinafood 2 lỗ nặng

(BĐT) - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn nhất trên thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. 
Vinafood 2 có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Vinafood 2 có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Với lợi thế vốn đầu tư lớn (hơn 3.000 tỷ đồng) và hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước nhưng Vinafood 2 và các công ty con lại kinh doanh thua lỗ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng do đầu tư dàn trải vào nhiều dự án kém hiệu quả.

Nhiều dự án trăm tỷ ngừng hoạt động

Vinafood 2 có 11 dự án đầu tư không hiệu quả với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là gần 770 tỷ đồng, giảm 11% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Trong số 11 dự án đầu tư không hiệu quả này thì có 9 dự án đã tạm ngừng hoạt động và 2 dự án đã bán trong năm 2015.

Trong số những dự án đã tạm ngừng hoạt động của Vinafood 2 có Dự án Nhà máy Chế biến thức ăn thủy sản (tổng mức đầu tư 173 tỷ đồng), Dự án Nhà máy Chế biến và bảo quản thủy sản thực phẩm (tổng mức đầu tư 190 tỷ đồng), Dự án Nhà máy Chế biến thủy sản Cầu Quan (163,3 tỷ đồng). Các dự án khác đã tạm ngừng hoạt động có tổng mức đầu tư là 147,4 tỷ đồng. Đặc biệt, có những dự án được “vẽ” ra với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu lên tới gần trăm tỷ đồng nhưng sau đó lại được điều chỉnh tổng mức đầu tư chỉ còn vài tỷ đồng.

Có 2 dự án đầu tư không hiệu quả Vinafood 2 đã bán trong năm 2015 là Dự án Nuôi trồng thủy sản Cồn Cỏ với tổng mức đầu tư 79,6 tỷ đồng và Dự án Nuôi trồng thủy sản Cồn Thủy Tiên với tổng mức đầu tư 16,6 tỷ đồng.

Với việc chi đầu tư không hiệu quả như vậy, kết quả kinh doanh bết bát trong thời gian gần đây của Vinafood 2 là một điều tất yếu. Theo kết luận thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tháng 7/2017, Vinafood 2 và các công ty con đã gây thua lỗ, thiệt hại ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng số lỗ lũy kế của Vinafood 2 là hơn 798 tỷ đồng.

Năm 2017, Vinafood 2 đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 105 tỷ đồng và 84 tỷ đồng, giảm gần 40% so với thực hiện năm 2016. 

Kế hoạch lương “khủng”

Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 51% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa Vinafood 2.
Trong phương án cổ phần hóa mới, giá trị DN thực tế của Công ty mẹ tại thời điểm 24 giờ ngày 31/3/2015 được điều chỉnh tăng lên 14.610 tỷ đồng thay vì con số 14.277 tỷ đồng như phương án đã trình Chính phủ trong quý III/2016. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ cũng điều chỉnh tăng theo, từ 4.980 tỷ đồng lên 5.380 tỷ đồng. Việc giá trị DN được điều chỉnh tăng thêm khoảng 400 tỷ đồng này chủ yếu là do thay đổi chính sách và thời điểm xác định sau kiểm toán.
Mặc dù kinh doanh kém hiệu quả trong các năm gần đây nhưng Vinafood 2 vẫn đặt ra kế hoạch lương năm 2017 tăng vọt cho nhân viên quản lý. Theo đó, nếu kế hoạch lương năm 2017 hoàn thành thì mỗi viên chức quản lý sẽ nhận được mức thu nhập bình quân hàng tháng lên tới 44 triệu đồng, tăng 49% so với con số thực hiện của năm 2016. Đối với người lao động, thu nhập bình quân kế hoạch là 6,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 20% so với con số thực hiện năm 2016 là gần 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Trước đó, Vinafood 2 cũng đã đặt ra kế hoạch lương thưởng năm 2016 tăng vọt nhưng không hoàn thành. Cụ thể, năm 2016, mỗi viên chức quản lý chỉ nhận được gần 29,5 triệu đồng/tháng, chỉ đạt 66% kế hoạch. Còn thu nhập bình quân một tháng của người lao động là gần 5,7 triệu đồng/tháng, bằng 90% kế hoạch.

Chuyên đề