Nhiều cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết trong năm 2019

Hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, kiểm toán từ chối đưa ra kết luận cho BCTC, vốn điều lệ giảm xuống dưới mức quy định là những nguyên nhân khiến cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết.

CMI tự nguyện hủy niêm yết

Sau 8 năm niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), vào kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2018 diễn ra tháng 10, Công ty cổ phần CMISTONE Việt Nam (HNX: CMI) đã thống nhất việc sẽ hủy niêm yết cổ phiếu tại HNX. HĐQT công ty cũng cho biết sau khi hủy niêm yết sẽ xem xét đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM.

Quyết định hủy niêm yết của CMI được đưa ra sau hai năm liên tiếp 2016-2017 lỗ đậm, 9 tháng đầu năm nay lỗ thêm 118 tỷ đồng. Theo đó, lỗ lũy kế của công ty vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu âm đến 80 tỷ đồng. Do đó cổ phiếu công ty cũng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu quý IV không có yếu tố bất thường đủ tích cực (kế hoạch năm 2018 của CMI là lỗ 15 tỷ đồng).

Vấn đề của CMI trong nhiều năm qua là thiếu vốn hoạt động, vay nợ lớn. Tính đến 30/9, công ty vay ngắn hạn 134 tỷ và vay dài hạn 119 tỷ, gấp 1,6 lần vốn góp của chủ sở hữu khiến cho chi phí lãi vay lớn.

Công ty có dự án nhà máy CMISTONE Việt Nam đầu tư từ năm 2014 với công suất đá ốp lát nhận tạo 2 triệu m2/năm, bột đá 35.000 tấn/năm. Đây là dự án đầu tư dài hạn có chi phí đầu tư lớn (khoảng 300 tỷ đồng) nhưng công ty đánh giá hiệu quả mang lại rất cao, cạnh tranh thị trường mạnh. Dẫu vậy, cho đến nay dự án lại là gánh nặng cho công ty. Theo đánh giá của ban Tổng giám đốc, dự án hiện nay đã đi vào sản xuất, sản phẩm có nhiều mẫu mã, có chất lượng nhưng công tác bán hàng vẫn chưa đưa được sản phẩm ra cạnh tranh với thị trường làm cho nhà máy hoạt động cầm chừng, tạm dừng và không hiệu quả.

CMI niêm yết tại HNX với mức giá chào sàn 47.300 đồng/cp nhưng hiện nay rớt về 1.000 đồng/cp.

PTC bị kiểm toán từ chối đưa ra kết luận

Vào tháng 9, CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HoSE: PTC) đã nhận thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) lưu ý nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu nếu tại BCTC kiểm toán năm 2018 tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.

Tại BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2018, công ty có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 7,3 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối tính đến 30/6 âm 21,2 tỷ đồng, kiểm toán từ chối đưa ra kết luận.

Theo đơn vị kiểm toán của PTC là Công ty TNHH KPF Việt Nam, do không thể kiểm tra được tính đúng đắn về các số dư đầu kỳ nên không đưa ra ý kiến về số dư tại ngày 1/1/2018 cũng như ảnh hưởng của chúng tới các chỉ tiêu khác được trình bày trên BCTC hợp nhất bán niên kết thúc 30/6. Tổng các khoản công nợ phải thu đã được đối chiếu là 11,7 tỷ đồng, chiếm 14% tổng số công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và các khoản phải thu khác. Công nợ phải trả chưa được đối chiếu xác nhận đầy đủ. KPF không thể kiểm tra được tính đúng đắn về các số liệu này bằng các thủ tục soát xét, do đó không đưa kết luận về tính hiện hữu và giá trị các khoản mục nêu trên. Công ty chưa trích lập đầy đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng hàng tồn kho. Theo ước tính của KPF, dự phòng phải thu khó đòi cần trích lập bổ sung 14,4 tỷ và dự phòng hàng tồn kho cần trích lập 7,9 tỷ đồng. Công ty chưa xử lý các tài sản thiếu tại Xí nghiệp 7 và chi nhánh HCM với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty con là CTCP PTIC-ZTE Công nghệ Viễn thông có dấu hiệu dừng hoạt động từ giữa 2017. BCTC của PTC được lập trên cơ sở BCTC của công ty con tại ngày 31/12/2017. Do đó, KPF không đưa ra ý kiến về số dư các khoản mục có liên quan từ việc sử dụng BCTC của công ty trên tại ngày 31/12/2017 trên BCTC hợp nhất bán niên của PTC.

Để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, HoSE đã chuyển cổ phiếu PTC từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 5/10. Cổ phiếu PTC chỉ được giao dịch vào buổi chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Ngày 24/8, HoSE ra quyết định đưa cổ phiếu AAM của CTCP Thủy sản Mekong vào diện cảnh báo từ 31/8 do vốn điều lệ đã góp của công ty giảm xuống dưới 120 tỷ đồng trên báo cáo soát xét 6 tháng 2018. Đồng thời, HoSE cũng lưu ý AAM về khả năng chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc nếu trong thời hạn 1 năm không khắc phục được vấn đề vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng căn cứ BCTC soát xét 6 tháng 2019.

Trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 3, các cổ đông của AAM đã thống nhất việc tiêu hủy cổ phiếu quỹ. Đến 14/5, công ty báo cáo đã giảm vốn điều lệ từ 126,4 tỷ xuống 99,4 tỷ đồng, tức tiêu hủy hơn 2,7 triệu cổ phiếu.

Sau lưu ý của HoSE, AAM vẫn ra quyết định của HĐQT việc mua lại 2,4 triệu cổ phiếu quỹ và đã mua được 1,9 triệu đơn vị trong thời gian từ 29/10 đến 27/11. Theo đó, khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty giảm xuống còn hơn 8 triệu đơn vị.

Xét về hoạt động kinh doanh, các năm gần đây công ty luôn có lãi nhưng chỉ vài tỷ đồng, riêng 9 tháng đầu năm nay lãi đột biến 9 tỷ đồng, cải thiện mạnh so con số lỗ 2,8 tỷ cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhờ biên lãi gộp cải thiện từ 6,6% lên 12,5%.

CMT hủy niêm yết để tái cấu trúc

CTCP Công nghệ Mạng và Truyền thông (HoSE:CMT) đã được cổ đông thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện cổ phiếu tại HoSE và chuyển sang đăng ký giao dịch trên UPCoM vào tháng 9 vừa qua. Lý do cho quyết định hủy niêm yết là tập trung tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Đi kèm với phương án hủy niêm yết, CMT sẽ thực hiện mua lại 10% tổng số cổ phần phổ thông đã phát hành để giải quyết quyền lợi cho cổ đông. Cụ thể, công ty mua lại 800.000 cổ phiếu bằng nguồn quỹ đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC đã kiểm toán 2017. Nếu mua thành công, lượng cổ phiếu quỹ sẽ tăng lên hơn 1,5 triệu đơn vị, ứng 19% vốn công ty. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 12 đến 1/2019.

Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2014-2017, công ty duy trì mức doanh thu khoảng 400 tỷ đồng và lợi nhuận quanh 7 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, doanh thu công ty ghi nhận 232,5 tỷ đồng, tăng 27%; lãi ròng 12 tỷ, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước.

AGF kinh doanh thua lỗ do khan hiếm nguồn nguyên liệu

Ngày 19/11, HoSE vừa có văn bản đưa cổ phiếu AGF của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch và chuyển sang diện kiểm soát đặc biệt do công ty đã có giải trình nguyên nhân kết quả kinh doanh âm tại BCTC quý IV.

Tuy nhiên, HoSE tiếp tục duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu AGF do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/9 là số âm và cảnh báo khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu.

Niên độ 2017-2018, công ty ghi nhận khoản lỗ lớn 190 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn trong khi chi phí lãi vay vẫn lớn. Đơn vị cho biết trong kỳ cá tra nguyên liệu khan hiếm, giá thu mua cao dẫn đến việc không đảm bảo doanh thu. Cùng với đó, các đối tác bên ngoài thuê nhà máy gia công cũng không đạt sản lượng như mong muốn vì khan hiếm cá tra nguyên liệu.

Với kết quả này thì năm nay là năm thứ hai liên tiếp công ty hoạt động thua lỗ, lỗ lũy kế tính đến thời điểm 30/9 lên mức 282 tỷ đồng vượt vốn đầu tư của chủ sở hữu là 281 tỷ đồng.

Chuyên đề