Nhận định thị trường ngày 12/3: Dòng tiền chưa tự tin trở lại

Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch ngày 12/03.

Biến động giằng co

(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền sang nhóm midcap và penny có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới.

Tâm lý chốt lời

(Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV - BSC)

Sáng 09/03, thông tin hiệp định CPTPP chính thức được kí kết đã đem lại tâm lý tích cực cho nhà đầu tư. Ngay từ những phút đầu, chỉ số được đẩy lên 1,134 điểm, sắc xanh lan rộng ở hầu hết các nhóm ngành. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa chinh phục được mốc đỉnh khi một số cổ phiếu quay đầu giảm điểm về cuối phiên. Nhóm Ngân hàng đồng loạt tăng điểm cùng một số cổ phiếu Bluechips giữ nhịp tăng cho chỉ số trong khi nhóm Bất động sản có dấu hiệu điều chỉnh. Thanh khoản vẫn chưa có đột phá cùng với số mã tăng và giảm điểm gần như cân bằng. BSC nhận định, tâm lý chốt lời ngắn hạn tại vùng đỉnh vẫn cản trở chỉ số bứt phá. Nhiều khả năng chỉ số vẫn sẽ tiếp tục rung lắc trước khi vượt đỉnh ngắn hạn trong các phiên giao dịch tuần sau.

Rủi ro nếu đẩy mạnh giao dịch

(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)

Trên cơ sở những dấu hiệu rủi ro vẫn được nhận diện trong phiên cuối tuần, FPTS bảo lưu quan điểm nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch mới nhằm tránh các biến động khó lường của xu hướng tiếp theo. Đối với các tài khoản đang có lượng cổ phiếu lớn cũng nên theo sát diễn biến thị trường để có thể ra quyết định kịp thời nếu tín hiệu xác nhận xu hướng tiêu cực xuất hiện. Các nhịp hồi phục không đi kèm thanh khoản tích cực của chỉ số sẽ chỉ phù hợp cho các giao dịch với mục tiêu cơ cấu giảm hệ số beta của danh mục.

Tâm lý thận trọng

(Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBS)

Trụ tiếp tục phân hóa, cổ phiếu ngân hàng hồi phục giữ nhịp thị trường trong khi các mã vốn hóa lớn điều chỉnh.

Thị trường tiếp tục trạng thái tích cực cuối phiên trước khi tăng tốt trong suốt phiên sáng 09/03 nhưng áp lực chốt lời gia tăng mạnh ở các mã vốn hóa lớn như VNM, VPB, PLX, GAS đã khiến thị trường sụt giảm nhanh chóng và mất gần hết thành quả ngay trong phiên, mã VIC đang có đà tăng gần như tốt nhất thị trường cũng bị xả khá mạnh tay trong phiên 09/03. Điểm tích cực trong phiên là sự hồi phục của nhiều cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, MBB,.v.v…. sau các thông tin về diễn biến bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đã giúp thị trường tránh được một phiên giảm. Độ rộng thị trường bị thu hẹp đáng kể về trạng thái cân bằng với số mã tăng/giảm chênh lệch không đáng kể.

Áp lực chốt lời tăng mạnh ở các mã trụ vốn hóa lớn đã khiến thị trường tiếp tục thất bại trước vùng cản 1.130 điểm. Tâm lý nhà đầu tư dù đã phần nào thoát khỏi sự thận trọng nhưng vẫn chưa lấy lại sự tích cực. Mặt bằng cổ phiếu tiếp tục phân hóa mạnh để tìm cân bằng với mặt bằng giá mới. Như đã đề cập trước đó, dấu hỏi lớn nhất lúc này vẫn là nhóm cổ phiếu dẫn dắt có hồi phục đủ mạnh để kéo dòng tiền trở lại thị trường, đưa thị trường đi tiếp được hay không khi đợt cơ cấu ETF đang cận kề, các mã bluechips đã nâng đỡ thị trường gần đây đang dần tỏ ra đuối sức và thanh khoản tiếp tục ở mức thấp cho thấy các dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự giải ngân mạnh vào lại thị trường.

Dòng tiền suy yếu

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Rất nhanh sau khi mở cửa, VNindex chạm mốc 1.135 điểm nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng và các bluechip như VJC và VIC. Tuy nhiên mức 1.130 điểm vẫn là ngưỡng kháng cự khó nhằn mà VNindex một lần nữa thất bại khi cố tìm cách vượt qua. VNindex đóng cửa phiên giao dịch 09/03trong sắc đỏ, giảm 0,74 điểm (0,07%). Mặc dù dòng tiền đang chuyển dần từ nhóm penny về lại nhóm vốn hóa lớn, vài penny vẫn tăng trần trong ngày 09/03: VOS, VID, EVG, CCL, KSQ, ACM, FID.

Sáng 09/03, Bộ trưởng bộ Công Thương cùng với bộ trưởng của 10 nước thành viên khác đã cùng ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh dấu một trang mới trong thương mại quốc tế của các nước tham gia. VDSC cho rằng các ngành như thủy sản, may mặc, logistic và bất động sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định trên.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã duyệt tăng thuế lên nhôm và thép nhập khẩu lần lượt là 25% và 10%. Chính sách mới của Trump sẽ không áp dụng đối với Canada, Mexico và Úc, trong khi các quốc gia khác được Nhà Trắng hoan nghênh để thảo luận các biện pháp thay thế và thuế suất có thể được xác định trên cơ sở song phương với từng quốc gia. Chuyên viên phân tích ngành thép của VDSCcho rằng Hoa Kỳ đang cố chặn đường xuất khẩu của thép Trung Quốc vào nước này mặc dù đã áp dụng 28 loại thuế chống phá giá và thuế đối kháng đối với nhà xuất khẩu thép lớn nhất này. Theo phân tích vĩ mô của VDSC, Hoa Kỳ đang cố gắng cải thiện thâm hụt thương mại với các nước giao thương, vốn là vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài.

Chuyên đề