Nhận diện nguyên nhân cổ phần hóa chậm

(BĐT) - Nhiều chuyên gia tài chính chung nhận xét, tiến độ cũng như chất lượng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua chưa đạt kế hoạch. Điều này khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài “nản lòng”, chuyển hướng sang các thị trường lân cận như Hồng Kông, Thái Lan... 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

9 tháng mới CPH được 20 DNNN

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, tính đến hết quý III/2017, cả nước đã CPH 20 trong danh sách 127 DNNN thực hiện CPH giai đoạn 2017 - 2020, tổng số tiền thu về là 683,823 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 28 DN. Trong số này, có 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giá trị vốn chủ sở hữu lên tới 24.000 tỷ đồng. Cùng với đó, đang tiến hành xác định giá trị của 40 DN.

Hiện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn đang đẩy tiến độ CPH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH các tổng công ty là Điện lực Dầu khí, Dầu Việt Nam, Lọc dầu Dung Quất thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng công ty Phát điện 3 thuộc EVN, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam…

Với kết quả nêu trên, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho rằng, năm 2017 có thể sẽ hoàn thành CPH 38/44 DNNN, tương đương 86% kế hoạch. Nếu tính cả các DNNN thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị sự nghiệp thì từ đầu năm đến hết tháng 9/2017, cả nước mới chỉ CPH được 37 DNNN.

Về kết quả thoái vốn DNNN, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã thoái được 3.838 tỷ đồng, thu về gần 16.000 tỷ đồng. Nguồn tiền này bao gồm, thoái vốn tại 5 lĩnh vực nhạy cảm thu về 105 tỷ đồng; thoái vốn đầu tư ở các DN khác, ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm được 2.210 tỷ đồng, thu về 3.463 tỷ đồng; thoái vốn ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thu về hơn 12.400 tỷ đồng.

Trước đó, trong cả giai đoạn 2011 - 2015 cũng như từ năm 2016 đến nay, các số liệu cho thấy, CPH và thoái vốn đang diễn ra chậm trễ. Đặc biệt, chất lượng CPH, thoái vốn còn rất hạn chế khi chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao sang khu vực tư nhân. 

Đấu giá cổ phần không phải là duy nhất

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC nhìn nhận, nếu không nỗ lực tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh thì công tác CPH, thoái vốn sẽ khó hấp dẫn được nhà đầu tư. Theo đó, ông Hiển gợi ý một số giải pháp.

Thứ nhất, để CPH, thoái vốn tại DNNN thành công, phải tôn trọng nguyên tắc của thị trường, bán những gì thị trường cần thay vì bán những gì chúng ta có. Kinh nghiệm cho thấy, những DN có tiềm năng đất đai, thương hiệu rất dễ CPH. Ngược lại, những DN có khó khăn, làm ăn thua lỗ thì CPH lại gặp rất nhiều vướng mắc. Do đó, trước khi đưa ra phương án CPH, cần tạo ra lộ trình, phương án tái cơ cấu DN hấp dẫn nhà đầu tư. Đồng thời, khi lên phương án thoái vốn cần tính dài hơi, thay vì thoái vốn từng DN đơn lẻ thì nên tạo ra những “rổ” DN thoái vốn được thiết kế theo nhóm ngành hoặc chuỗi giá trị để các nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.

Thứ hai, về cách bán, hiện cơ chế của Việt Nam đang là đấu giá cổ phần trước, sau đó dùng giá đấu giá thành công làm giá bán cho nhà đầu tư chiến lược. Với cách này, không tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Đối với việc đấu giá công khai để thực hiện CPH, thoái vốn hiện nay, ông Hiển cho rằng, cách thức này rất tốt, tuy nhiên với những DN không có nhiều tiềm năng thì đấu giá rất khó, nhiều trường hợp không thành công. Ông Hiển gợi ý, nên chăng có thêm cơ chế bán khác, chẳng hạn như cho phép bán thỏa thuận thì sẽ linh hoạt hơn.

Về nhân sự làm công tác CPH, thoái vốn, ông Hiển đề xuất, đã đến lúc cần xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp. Đội ngũ này phải có kinh nghiệm, đặc biệt là hiểu các nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, họ có khả năng quảng bá cơ hội đầu tư một cách dễ dàng, nhất là với các nhà đầu tư tiềm năng, để bán được với giá tốt nhất.

Chuyên đề