Nhà thầu loay hoay tìm vốn

(BĐT) - Trong một cuộc tọa đàm vừa tổ chức ngày 16/11/2016, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Coteccons tiết lộ, công ty này đã hoàn tất đợt phát hành thêm cho cổ đông chiến lược, thu về khoảng 1.700 tỷ đồng. Sau đó 1 ngày, thông tin chính thức được phía Coteccons công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Nhiều nhà thầu xây dựng đang phải chịu áp lực vì thiếu vốn lưu động và hụt dòng tiền. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều nhà thầu xây dựng đang phải chịu áp lực vì thiếu vốn lưu động và hụt dòng tiền. Ảnh: Lê Tiên

Là nhà thầu có tiếng trên thị trường chứng khoán (TTCK), đây là lần hiếm hoi Coteccons chính thức huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán. Số lượng cổ phiếu mà Coteccons phân phối là 11,5 triệu đơn vị, tương đương 80% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán. Với mức giá 153.520 đồng/CP, Coteccons đã thu về số tiền 1.762 tỷ đồng qua thương vụ này. 

Nhà thầu khát vốn

Năng lực nhà thầu là một trong những điều kiện tiên quyết để chủ đầu tư quyết định lựa chọn. Thông thường, trong thông báo mời thầu, các chỉ tiêu được chủ đầu tư quan tâm là kết quả kinh doanh của nhà thầu trong thời gian gần nhất cùng kinh nghiệm thi công các dự án có quy mô tương đương trong quá khứ.

Kết quả kinh doanh và năng lực thi công không đến từ những thứ hư vô. Đó là kết quả của quá trình huy động và vận hành luồng vốn. Vốn để triển khai một dự án đến từ chủ đầu tư. Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải bảo đảm nguồn vốn triển khai cho nhà thầu theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là nhà thầu không cần vốn tự huy động.

Để nâng cao năng lực thi công, các nhà thầu phải mua sắm máy móc, thậm chí thâu tóm các doanh nghiệp có lĩnh vực hoạt động mà mình đang hướng tới. Thông thường, các doanh nghiệp có quy mô vốn và tài sản nhỏ chỉ có thể tham gia sân chơi của các dự án “mini” mà thôi.

Với Coteccons, là một trong những nhà thầu xây dựng lớn nhất cả nước, quy mô vốn điều lệ của Công ty vẫn được đánh giá là chưa tương xứng. Với trên 1.700 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành vừa qua, Coteccons dự kiến sẽ chi thành lập công ty mới, mua cổ phần các công ty phù hợp nhằm mở rộng hoạt động, đồng thời đứng ra đầu tư trực tiếp hoặc góp vốn các dự án xây dựng hạ tầng, bất động sản… Bên cạnh đó, Công ty cũng tính việc đầu tư thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động.

Cũng trong thời gian gần đây, song hành với kết quả kinh doanh khả quan, cổ phiếu HBC của nhà thầu xây dựng Địa ốc Hòa Bình cũng tăng giá không ngừng trên TTCK. Cuối tháng 8/2016, HĐQT Công ty đã ra nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược với mức giá tiệm cận thị giá cổ phiếu HBC. Với 20 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành, theo mức giá tạm tính (giá đóng cửa phiên giao dịch 18/11/2016 là 28.900 đồng/CP), Địa ốc Hòa Bình có thể thu về gần 580 tỷ đồng. Việc tìm đối tác chiến lược đang được Công ty tiến hành. 

Thiếu vốn và những hệ lụy

Với các nhà thầu nội, trong quá trình hội nhập, đối mặt với thách thức cạnh tranh trực tiếp với các nhà thầu nước ngoài có tiềm lực mạnh, không cách nào khác là phải tự lớn lên. Huy động vốn, liên kết với đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực thi công dường như là lời giải duy nhất cho bài toán khó khăn này.
Đại diện Công ty CP Fecon (mã chứng khoán FCN) tiết lộ tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2016 rằng, việc thiếu vốn lưu động và hụt dòng tiền luôn xảy ra. Với đặc thù thi công, nghiệm thu và thanh toán các phần của dự án, dòng tiền của Công ty đến khá trễ. Các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty luôn ở mức cao. Tính đến cuối quý III năm nay, số dư khoản mục này của Fecon lên tới 950 tỷ đồng, trong đó 785 tỷ đồng là phải thu khách hàng, thường là các chủ đầu tư.

Đầu tháng 10 vừa qua, Fecon đã phát hành thêm 2 triệu cổ phiếu để chuyển đổi một phần số lượng trái phiếu công ty này đã phát hành trước đó cho Vietcombank. Giá trị chuyển đổi đạt 39,4 tỷ đồng, tương đương mức giá chuyển đổi 19.700 đồng/CP. Với việc phát hành này, Công ty đã giảm bớt phần nào áp lực nợ vay vốn vẫn luôn nặng nề từ trước đến nay.

Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây, một phần không nhỏ thị trường xây lắp trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có các nhà thầu Trung Quốc, doanh nghiệp nội thua ngay trên “sân nhà” với lý do thiếu vốn. Nhà thầu nội tham gia hầu hết với vai trò thầu phụ.

Lãnh đạo Fecon cũng từng thừa nhận về sự yếu thế trong cuộc cạnh tranh với các nhà thầu ngoại, với lý do họ sẵn sàng giảm giá. Nguyên nhân giảm giá đôi khi xuất phát từ việc họ sẵn sàng chịu lỗ coi như chi phí gia nhập thị trường Việt Nam giàu tiềm năng. Nếu không có năng lực tài chính mạnh mẽ, ít ai dám “liều” như vậy.

Với các nhà thầu nội, trong quá trình hội nhập, đối mặt với thách thức cạnh tranh trực tiếp với các nhà thầu nước ngoài có tiềm lực mạnh, không cách nào khác là phải tự lớn lên. Huy động vốn, liên kết với đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực thi công dường như là lời giải duy nhất cho bài toán khó khăn này.

Chuyên đề