Nhà nước nên giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng

(BĐT) - Dù đã cổ phần hóa, nhưng hiện tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước đều ở mức rất lớn. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Điều này khiến các ngân hàng chưa thay đổi về chất, cổ phần hóa chỉ mang tính hình thức. PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, thành viên Hội đồng Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu xung quanh vấn đề này.

Nhà nước nên giảm tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng ảnh 1
PGS. TS. Đào Văn Hùng
Ông đánh giá như thế nào về tỷ lệ sở hữu của Nhà nước và cấu trúc sở hữu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam hiện nay?

Tuy vai trò của Nhà nước có xu hướng giảm dần, song các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) vẫn chi phối hệ thống ngân hàng. Tỷ trọng tổng tài sản của các NHTMNN trong toàn hệ thống NHTM giảm từ 85% năm 1993 xuống 47% vào tháng 7/2015 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình trên thế giới (14,82% năm 2008, 16,52% năm 2009 và 14,87% năm 2010).

Trong khi đó, tỷ lệ vốn sở hữu của Nhà nước tại các NHTMNN hiện nay ở mức cao như: VCB (77,11%), BIDV (95,28%), Agribank (100%), Vietinbank (64,46%), Ngân hàng Xây dựng (100%), Oceanbank (100%), GPbank (100%). Trong khi theo luật, có thể giảm tỷ lệ sở hữu về 51% mà không ảnh hưởng hiệu quả can thiệp trực tiếp của Nhà nước.

Ngoài ra, cấu trúc sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) hiện tại rất phức tạp (sở hữu chéo, sở hữu tháp, sở hữu ngầm) là nguồn gốc sinh ra cơ chế quản trị độc quyền cá nhân, lợi ích nhóm, biến NHTMCP đại chúng thành những ngân hàng thực chất phi đại chúng, làm phân bổ nguồn lực vốn không hiệu quả và tăng rủi ro cho hệ thống tài chính.

Tỷ lệ và cấu trúc sở hữu như nêu trên cần được cải cách như thế nào, thưa ông?

Sở hữu của Nhà nước trong các NHTM bây giờ cho phép giảm đến 51%. Nhưng mô hình của các quốc gia khác trên thế giới có rất ít các NHTM mà Nhà nước lại sở hữu cao đến như Việt Nam. Thông thường, Nhà nước chỉ sở hữu những ngân hàng phát triển, các ngân hàng chính sách, còn các NHTM thì do khu vực tư nhân đảm trách. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ, mức sở hữu cao của Nhà nước, có những ngân hàng tỷ lệ sở hữu là 95% như tôi nói ở trên. Điều này không tạo được sự linh hoạt trong cạnh tranh và hiệu quả về quản lý, nên cần phải nghiên cứu và giảm xuống thấp hơn nữa.

Tôi cho rằng, các NHTM cũng giống như doanh nghiệp (DN) và có thể có những đặc thù riêng. Khi Chính phủ đã có chủ trương thoái vốn nhà nước ở các DN sản xuất, kinh doanh, DN dịch vụ thì không có lý do gì Chính phủ lại không có những bước thoái vốn phù hợp ở các NHTMNN. Nhà nước có thể thực hiện thoái vốn ở 4 NHTM lớn, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Nhà nước và bán phần vốn ấy cho các nhà đầu tư nước ngoài và để cho khu vực tư nhân tham gia. Nhà nước dùng tiền đó đầu tư vào những lĩnh vực hạ tầng mà chúng ta đang cần (như giao thông, điện nước, y tế, giáo dục). Như vậy mới thể hiện đúng vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra và bảo đảm những hạ tầng thiết yếu nhất cho sự phát triển của xã hội.

Đối với các định chế tài chính phi ngân hàng, theo ông Nhà nước cần phải làm gì để tạo sự phát triển đột phá cho khu vực này?

Theo tôi, Nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ sở hữu tại các NHTM cao như vậy. Với định chế tài chính phi ngân hàng (quỹ đầu tư, bảo hiểm, công ty chứng khoán), theo tôi, rõ ràng Nhà nước không cần phải nắm giữ. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một môi trường, một chính sách, theo đó các định chế tài chính này phải thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân và nước ngoài để đầu tư. Nguồn lực của Nhà nước dùng để làm những việc khác mang tính phát triển hạ tầng thay vì sở hữu những tổ chức tài chính này.

Chuyên đề