Nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào ngành dược

(BĐT) - Hấp dẫn nhờ nền tảng kinh doanh vững chắc và dư địa tăng trưởng lớn, ngay sau khi nới room ngoại, những doanh nghiệp dược phẩm lớn như Domesco (mã chứng khoán DMC), Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG)… đã trở thành đối tượng thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài. 
Nhu cầu sử dụng thuốc tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu sử dụng thuốc tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Ảnh: Lê Tiên

Giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp dược tăng khiến vốn hóa của ngành đã bứt phá mạnh.

Đà tăng trưởng trở lại

Số liệu tổng hợp về tăng trưởng doanh thu thuần giai đoạn 2010 - 2016 của nhóm 13 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đã cho thấy sự thay đổi lớn về diện mạo của ngành dược Việt Nam. Tổng doanh thu thuần của nhóm 13 doanh nghiệp đạt trên 15.000 tỷ đồng trong năm 2016 so với mức 9.000 tỷ đồng năm 2010 (mức tăng trưởng kép bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2016 đạt khoảng trên 9%/năm). Song, đà tăng trưởng hàng năm đã chững lại, đi ngang quanh mức bình quân 14% trong giai đoạn 2010 - 2013, sau đó sụt giảm mạnh xuống chỉ còn 1,1% trước khi gia tăng trở lại trong năm 2016.

Các nhà phân tích cho rằng, ngành dược trong nước đã và đang trải qua giai đoạn thay đổi từ giảm số lượng - tăng chất lượng của các doanh nghiệp nội địa. Điều này ngoài việc góp phần thay đổi về quy mô, diện mạo ngành còn tạo thêm động lực mới thúc đẩy sự tăng trưởng trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng ngày càng gia tăng. Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung lưu và giàu có tại Việt Nam sẽ đạt mốc 33 triệu người vào năm 2020 (tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại) dẫn tới nhu cầu lớn về các dịch vụ y tế cao cấp. Đồng thời, việc gia tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế toàn dân từ mức 77,1% (khoảng 71,1 triệu người) lên mức 80% (khoảng 78,5 triệu người) vào năm 2020 sẽ làm gia tăng nhu cầu sử dụng các loại dược phẩm trong danh mục thanh toán thuốc bảo hiểm y tế.

Tại Công ty CP Dược Hậu Giang, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng tự sản xuất đã giúp doanh nghiệp này đạt hơn 3.782 tỷ đồng doanh thu năm 2016 (tăng trưởng 4.8% so với năm 2015). Với sự tham gia của cổ đông lớn Taiso, việc tái cơ cấu chính sách bán hàng đã giúp biên lợi nhuận gộp của Công ty cải thiện 6,4%, tăng lên mức 45,6%, cao hơn hẳn mức bình quân 38,6% của ngành. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế đạt 713 tỷ đồng và tăng 20,3% so với năm 2015. Quý I/2017, Công ty ghi nhận doanh thu 882 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 173 tỷ đồng tăng lần lượt 8,2% và 14,2% so với cùng kỳ 2016, hoàn thành khoảng 25% kế hoạch đặt ra.

Một doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn khác là Công ty CP Dược Imexpharm (mã chứng khoán IMP) cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. Công ty đang sở hữu 3 dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Nhờ lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại, doanh thu kênh ETC (bán hàng thông qua đấu thầu) hứa hẹn tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2017 khi Imexpharm có thể tham gia các gói thầu thuộc nhóm 1 và 2.

Quý I/2017, Imexpharm đạt doanh thu 224,3 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với quý I/2016 và hoàn thành gần 17,7% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 25,9 tỷ đồng, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư. Trong năm 2017, Công ty sẽ đầu tư thêm 2 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP, dự kiến vận hành vào năm 2018. Mới đây nhất, Công ty đã tăng vốn thành công lên 390,74 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức. 

Thị giá hàng loạt cổ phiếu liên tục tăng

Thời gian qua, khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tìm kiếm cơ hội đầu tư thông qua các hoạt động M&A để gia nhập chuỗi sản xuất, phân phối trong nước.

Khởi đầu là việc Domesco trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong ngành dược nới room khối ngoại lên 100% trong năm 2016. Ngay sau đó, CFR International SPA đã nhanh chóng gia tăng tỷ lệ sở hữu Domesco lên trên 51% để nắm quyền chi phối doanh nghiệp này. Sự thành công của Domesco đã kéo theo nhiều thương vụ M&A khác trong ngành. Điển hình là việc Taisho Pharmaceutical đã chi khoảng 2.600 tỷ đồng (số liệu ước tính của Công ty CK Bản Việt) để sở hữu 24,4% vốn điều lệ của Dược Hậu Giang từ 34 cổ đông ngoại. Gần đây nhất, tại ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo Dược Hậu Giang đã trình nới room ngoại lên 49% mở đường cho Taisho gia tăng sở hữu.

Nhờ lượng cầu mạnh mẽ, hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành như DHG, DMC, IMP, DHT (Dược Hà Tây)… đều tăng tối thiểu vài chục phần trăm chỉ trong nửa đầu năm 2017. Cổ phiếu ngành dược tăng mạnh thời gian qua ngoài sự tham gia tích cực của khối ngoại còn do kỳ vọng vào việc thực thi chính sách trong đấu thầu thuốc. Một số chuyên gia cho rằng, việc Luật Dược sửa đổi quy định không chào thầu thuốc nhập khẩu nếu thuốc trong nước đáp ứng được yêu cầu là một trong những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp dược trong nước phát triển.

Chuyên đề