Ngân hàng vơi bớt nỗi lo nợ xấu

Trong mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn so với năm 2015. Sự lạc quan này là nhờ tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng giảm và sau giai đoạn tái cấu trúc, các ngân hàng đã hoạt động an toàn, bền vững hơn.
Năm 2016, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015
Năm 2016, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015

Kỳ vọng lợi nhuận 2016 tăng trưởng tốt…

Tại ĐHCĐ 2016 của VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 7.345 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch. Năm nay, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2015. 

Còn tại Vietcombank, theo Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 10% so với mức lợi nhuận thực hiện trong năm 2015 là 6.827 tỷ đồng.

Không chỉ các nhà băng lớn, ngay cả các ngân hàng bậc trung và các ngân hàng nhỏ cũng đều kỳ vọng sẽ đạt kết quả kinh doanh tốt hơn trong năm nay. Tuy nhiên, có những ngân hàng khá dè dặt như VIB chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2016 là 675 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015; VPBank cũng chỉ dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng, tăng gần 3,4% so với năm 2015.

Trong khi đó, một số ngân hàng lại đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá cao. Đơn cử như TPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt 695 tỷ đồng. Cơ sở để TPBank đưa ra mức tăng trưởng này là năm qua, TPBank đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu và bắt đầu tăng tốc hoạt động. Năm 2015, TPBank ghi nhận lợi nhuận 626 tỷ đồng.

Hay như SHB, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc cho biết, năm 2016, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 32,7%. Thậm chí, VietABank còn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 201,4 tỷ đồng, tăng 74,67% so với năm 2015. SCB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 183 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2015.

Rõ ràng, sự lạc quan đang trở lại đối với giới kinh doanh ngân hàng. Cuộc khảo sát mới đây của Vụ Dự báo và Thống kê tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) về xu hướng kinh doanh quý II/2016 cũng cho thấy, các TCTD đều tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2016. Theo đó, các TCTD cho biết, kết quả hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự cải thiện nhẹ trong quý I so với quý trước và kỳ vọng tiếp tục cải thiện tốt hơn trong quý II này. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận toàn hệ thống trong năm 2016 được kỳ vọng là 12,67%.

“Mỗi TCTD, nhất là các TCTD trải qua quá trình tái cấu trúc, có những mục tiêu và hoàn cảnh rất khác nhau, nhưng xét trên toàn hệ thống ngân hàng,  các chỉ số tài chính khá tích cực: thanh khoản dồi dào, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng và rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục xu hướng giảm. Các TCTD điều chỉnh kỳ vọng đối với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, huy động vốn và tín dụng về mức hợp lý hơn, nhưng vẫn cao hơn các mức kỳ vọng và tăng trưởng thực tế của năm 2015”, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB nói. 

… nhờ nền tảng hoạt động vững chắc hơn

Trò chuyện với ĐTCK mới đây, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, cơ hội và thách thức đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng chính là những cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế trong bối cảnh đất nước hội nhập. Tác động của hội nhập là rất lớn, song song với cơ hội là những thách thức riêng có gắn với đặc điểm của ngành tài chính - ngân hàng.

“Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam – EU, hay AEC sẽ đưa lại nhiều cơ hội sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước… Hội nhập cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hệ thống tài chính - ngân hàng trong tiếp cận với nguồn lực, kinh nghiệm quản trị ngân hàng tiên tiến trên thế giới. Dĩ nhiên, cạnh tranh trong ngành sẽ quyết liệt hơn. Cùng với đó, rủi ro tài chính cũng tăng lên, khi dòng vốn dịch chuyển dễ dàng hơn”, TS. Thành nói.

Còn theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tình hình khô hạn và nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở duyên hải miền Trung và Tây Nguyên sẽ tác động tiêu cực ghê gớm và lâu dài đến nền kinh tế đất nước, trong đó có hoạt động kinh doanh ngân hàng.

“Bối cảnh phát triển của năm 2016 rất khác, với rất nhiều thách thức”, TS. Thiên nhấn mạnh. 

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng nhận thức rõ điều này

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, kinh tế vĩ mô năm 2016 dự kiến còn nhiều biến động phức tạp do tác động từ các bất ổn kinh tế - chính trị  thế giới cũng như các yếu tố nội tại của kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu ngày càng cao từ phía các cơ quan quản lý đối với các chuẩn mực quản trị trong lĩnh vực ngân hàng. Nhưng, với nền tảng vững chắc từ con người, hệ thống, công nghệ trên tinh thần luôn cải tiến, sáng tạo, cùng phương châm hướng tới kinh doanh bền vững, VPBank tự tin sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh - tài chính của kế hoạch 2016 đầy thách thức.

Còn theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện và ổn định, với các yếu tố chính như chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá, cơ chế quản lý và quy định về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN đều được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và hoàn thiện hơn.

Thực tế, mấy năm gần đây cho thấy, tuy có những khó khăn do ảnh hưởng biến động của thị trường tài chính thế giới, NHNN Việt Nam vẫn luôn giữ được sự chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, các cam kết và mục tiêu đề ra đều cơ bản được hoàn thành.

Sự quản lý hiệu quả và những chỉ đạo, gói giải pháp kịp thời của NHNN và các cơ quan quản lý khác chắc chắn sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cho sự phục hồi và phát triển của các TCTD trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, năm 2016, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cơ hội thị trường cũng rất tích cực, hệ thống VietinBank quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Chuyên đề