Ngân hàng đang thừa tiền?

(BĐT) - Lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy ngân hàng dư thừa vốn?
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt. Đây là dấu hiệu cho thấy thanh khoản đang rất dồi dào. Dấu hiệu cho thấy thanh khoản tốt còn thể hiện qua việc NHNN phát hành trở lại tín phiếu lần đầu tiên sau 4 tháng. Trong 5 phiên liên tiếp, NHNN đã phát hành được tới 37 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, đây là lượng tiền lớn huy động trong một thời gian ngắn.

Đặc biệt hơn là lãi suất tín phiếu giảm nhanh sau mỗi phiên phát hành, từ mức 1,3% trong ngày đầu tuần xuống chỉ còn 0,5% vào ngày kết tuần. Mức 0,5% cũng thấp hơn nhiều lãi suất cùng kỳ 2016 là 1,5% - 1,75%.

Trao đổi với Báo Đấu Thầu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, các con số cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang ở mức tốt nhưng không hẳn là dư thừa. Điều này đồng nghĩa với việc lo ngại ngân hàng có dấu hiệu thừa thanh khoản bởi sức cầu nền kinh tế yếu là không có cơ sở. Bởi tín dụng 6 tháng đầu năm tăng ở mức cao là 9%. Trong khi đó, vốn huy động tăng ở mức 6%.

Ông Lực cho biết, có hai lý do hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, đó là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm nên một số tiền chưa giải ngân được Kho bạc Nhà nước đem gửi ngân hàng. Thứ hai là việc NHNN tiếp tục thực hiện công cụ nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Lý giải việc vốn tín dụng tăng trưởng cao trong khi tăng trưởng GDP lại thấp trong các tháng đầu năm, ông Lực cho rằng: “Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về vốn”. Riêng về vốn,  tín dụng chỉ là một trong 4 nguồn vốn của nền kinh tế ngoài vốn đầu tư công, vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư tư nhân. Vốn tín dụng đang chiếm phần lớn và dù có được sử dụng hiệu quả nhưng các nguồn vốn còn lại không tốt thì tăng trưởng kinh tế cũng khó cao được, ông Lực nhấn mạnh.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào. Tuy nhiên sự dồi dào này không phải trên toàn hệ thống mà tồn tại sự không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng khi một số ngân hàng lớn thanh khoản vẫn tốt hơn ngân hàng nhỏ.
Trước nhận định cho rằng nguồn vốn tín dụng tăng cao nhưng chủ yếu đi vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán chứ không “rót” nhiều vào sản xuất, ông Lực nói, số liệu cụ thể bao nhiêu % vốn tín dụng đi vào các ngành thì chỉ có NHNN mới biết chính xác được. “Tuy nhiên, hiện nay NHNN vẫn đang thực hiện chủ trương kiểm soát chặt chẽ các nguồn tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT và BT. Theo thống kê, tín dụng 6 tháng đầu năm bất động sản vào khoảng hơn 6%. Thấp hơn nhiều so với mức 9% của toàn hệ thống”, ông Lực cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng, thanh khoản của hệ thống  ngân hàng đang rất dồi dào. Tuy nhiên, sự dồi dào này không phải trên toàn hệ thống, mà tồn tại sự không đồng đều giữa các nhóm ngân hàng khi một số ngân hàng lớn thanh khoản vẫn tốt hơn ngân hàng nhỏ.

Cũng theo ông Hiếu, nhu cầu tín dụng hiện nay là rất lớn. Sức cầu nền kinh tế dù không cao so với hồi năm 2015, song theo ông Hiếu vẫn đang rất tốt.

Khác với quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, ông Hiếu lại tỏ ra lo ngại việc nhu cầu tín dụng thì lớn song lại có chiều hướng “đổ” nhiều vào bất động sản, chứng khoán thay vì đi nhiều vào khu vực sản xuất. Ông Hiếu cũng lưu ý, hiện nay việc cho người dân vay mua nhà, xây nhà, sửa nhà đang được tính vào khoản vay tiêu dùng. Do vậy nếu tính khoản này nữa thì vốn tín dụng cho bất động sản phải lớn hơn nhiều con số báo cáo hiện nay.

Chuyên đề